In biểu tượng tái chế bừa bãi là ‘tội ác môi trường’ ở Mỹ
In biểu tượng tái chế bừa bãi là ‘tội ác môi trường’ ở Mỹ
Trước việc các nhãn hàng lạm dụng biểu tượng tái chế và in lên bất cứ vật liệu gì, California quyết định sẽ là bang tiên phong dẹp “tội ác môi trường” này.
“Người dân đang cẩn thận phân loại rác vào các thùng có ký hiệu tái chế. Họ nghĩ rằng chúng sẽ được tái chế, nhưng thực ra tất cả đều hướng thẳng đến bãi đốt rác hoặc chôn lấp”, nhà chức trách California than phiền trong cuộc họp hôm 8/9.
Cùng ngày, họ thông qua một dự luật mới: Cấm các công ty sử dụng biểu tượng có thể tái chế, trừ khi họ đưa ra bằng chứng minh được loại vật liệu của các sản phẩm này có thể tái chế được và thực tế, từng được tái chế thành công.
Dự luật này sẽ được Thống đốc ký vào cuối tuần này. Theo đó, các công ty sẽ đối mặt cáo buộc hình sự nếu sử dụng biểu tượng tái chế trên sản phẩm, bao bì mà không đáp ứng các tiêu chí tái chế của tiểu bang.
Trong các tiêu chí có cả việc yêu cầu cung cấp thiết kế của sản phẩm sau tái chế và thống kê tình hình tiêu thụ các sản phẩm tái chế này có khả thi hay không.
Ngành công nghiệp nhựa và bao bì đã phản đối dự luật, cho rằng “tiêu chí tái chế quá phức tạp, chắc chắn không thể thực hiện”. Họ nói luật mới sẽ gây ra nhiều nhầm lẫn hơn cho người tiêu dùng do đã quen với các các tiêu chí cũ.
Các doanh nghiệp này cũng bóng gió rằng “luật quá khắt khe sẽ tác dụng ngược”. Nó khiến các doanh nghiệp không thiết tha với việc tái chế nữa.
Song quyết định đã giành được sự ủng hộ của người dân, liên minh các nhóm môi trường và chính quyền địa phương. Họ đánh giá, thời gian qua, biểu tượng tái chế được in vô tội vạ trên đồ chơi rẻ tiền, rèm nhà tắm, ống hút, thậm chí cả cốc dùng một lần. “Người dân, tất nhiên sẽ vứt chúng vào thùng rác được phân loại có biểu tượng “có thể tái chế”. Và chúng tôi tốn rất nhiều thời gian phân loại lại”, đơn vị xử lý rác bang Califonia nói.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA thống kê, nước Mỹ thải ra khoảng 15 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chưa đến 10% số này được tái chế, số còn lại được đốt, chôn lấp hoặc bán ra nước ngoài, chủ yếu các nước nghèo.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị