IMF: ‘Việt Nam cần tăng quy mô và tốc độ triển khai hỗ trợ kinh tế’
Nói với Zing, đại diện IMF cho rằng Việt Nam nên tăng cường các gói hỗ trợ tài chính, tập trung vào những khoản chi tiêu, nhất là trao tiền cho các đối tượng dễ tổn thương.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư gây sức ép lên sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế Việt Nam. Trả lời phỏng vấn với Zing, ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Việt Nam – nhận định còn rất nhiều bằng chứng cho thấy những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến triển vọng kinh tế của đất nước.
Hôm 2/8, Hội đồng Thống đốc của IMF đã phê duyệt việc phân bổ 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR) để hỗ trợ các nước đương đầu với dịch Covid-19. Ông Painchaud cho biết đợt phân bổ SDR sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam, đồng thời xây dựng lòng tin, thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của nền kinh tế.
Ngoài ra, theo ông Painchaud, Việt Nam cần tăng quy mô và tốc độ triển khai các gói hỗ trợ tài chính, tập trung vào những khoản chi tiêu thay vì giảm thuế, nhất là trao tiền trực tiếp cho các đối tượng dễ tổn thương nhất.
Đợt bùng phát dịch mới gây gián đoạn sản xuất và ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế trong năm 2021 và 2022 của Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Tận dụng khoản phân bố 650 tỷ USD SDR của IMF
– Việt Nam có thể nhận hỗ trợ như thế nào từ đợt phân bổ SDR lớn kỷ lục của IMF, thưa ông?
– Đầu tiên, SDR (quyền rút vốn đặc biệt) là tài sản dự trữ quốc tế do IMF tạo ra nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia thành viên. Dù SDR không phải tiền tệ, nó có thể được quy đổi thành những loại tiền tệ được các nước thành viên sử dụng tự do.
Điều đó có nghĩa là SDR có thể cung cấp thanh khoản cho quốc gia thành viên. Theo ghi nhận của Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, việc phê duyệt phân bổ các SDR tương đương 650 tỷ USD là một quyết định mang tính lịch sử, lớn kỷ lục và như một “mũi tiêm” cho nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu khủng hoảng chưa từng có.
Việc phân bổ SDR sẽ mang lại lợi ích cho tất cả thành viên, bao gồm Việt Nam, giúp giải quyết nhu cầu dự trữ dài hạn trên toàn cầu, xây dựng lòng tin, thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, SDR giúp đỡ cho các quốc gia dễ bị tổn thương đang vật lộn để đối phó với những tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Việt Nam. |
Những SDR mới tạo ra sẽ được chuyển đến các quốc gia thành viên, tương đương với hạn ngạch của mình trong Quỹ. Đối với riêng Việt Nam, việc phân bổ SDR sẽ làm tăng dự trữ ngoại hối của đất nước lên 1,6 tỷ USD.
IMF cũng sẽ tiếp tục tích cực tham gia với các thành viên để xác định những phương án khả thi cho việc chuyển các SDR tự nguyện từ các nước thành viên giàu có hơn sang những nước thành viên nghèo và dễ tổn thương hơn, từ đó hỗ trợ quá trình phục hồi và đạt tăng trưởng bền vững, linh hoạt.
– Ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn năm 2021-2022, thưa ông?
– Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn về sức khỏe và kinh tế. Tính đến nay, đợt bùng phát hiện tại là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Bất chấp những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, hơn 235.000 người đã nhiễm bệnh và hàng nghìn người không may qua đời.
Ngoài ra, còn rất nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát mới, việc tái áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chẳng hạn, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của đất nước đã giảm đáng kể trong tháng 7. Chúng tôi sẽ đưa ra báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam muộn nhất vào tháng 10 tới.
Mở rộng tiêm chủng, hỗ trợ tài chính
– Việt Nam cần làm gì để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tác động từ đại dịch và phục hồi, thưa ông?
– Để hạn chế tác động của đại dịch đến sức khỏe và nền kinh tế, Việt Nam cần khẩn trương mở rộng quy mô tiêm chủng. Cho đến khi chương trình tiêm chủng đại trà được triển khai tốt, thiệt hại đối với sức khỏe và nền kinh tế sẽ còn lớn hơn.
Các gói hỗ trợ tài chính cũng cần được tăng quy mô và triển khai nhanh hơn. Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cho những biện pháp hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cũng nên tập trung vào những khoản chi tiêu, nhất là trao tiền cho các đối tượng dễ tổn thương nhất, thay vì giảm thuế.
Trong năm 2021, những khoản hỗ trợ tiền mặt đã lên kế hoạch cần được mở rộng và giải ngân nhanh chóng. Việt Nam nên nới lỏng các điều kiện để đẩy nhanh việc hỗ trợ và dễ dàng tiếp cận những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Trong năm 2021, những khoản hỗ trợ tiền mặt đã lên kế hoạch của Việt Nam cần được mở rộng và giải ngân nhanh chóng. Ảnh: Việt Linh. |
Đất nước cũng cần thực hiện mạnh mẽ hơn chi tiêu đầu tư công, đồng thời nâng cao hiệu quả và mức độ ưu tiên, nhằm giúp hỗ trợ tăng trưởng và thu hút đầu tư tư nhân.
Việc hoãn thuế – biện pháp tài khóa chính cho đến nay – có thể được thay thế bằng kết chuyển lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vào các năm tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Trên thực tế, việc hoãn thuế được chứng minh là ít hữu ích hơn khi nền kinh tế đang trải qua một cú sốc lớn và dai dẳng. Ngoài ra, những điều khoản tạm thời đối với khấu hao nhanh và các khoản giảm trừ thuế đầu tư có thể khuyến khích đầu tư kinh doanh.
Các gói hỗ trợ tài chính cũng cần được tăng quy mô và triển khai nhanh hơn. Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cho những biện pháp hỗ trợ tài chính Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú IMF Việt Nam |
Trong khi đó, lạm phát cần được giám sát chặt chẽ. Lạm phát đã tăng lên vào đầu năm nay nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu lạm phát của ngân hàng nhà nước (4%).
Lạm phát gia tăng do giá sản xuất tăng cao là một mối lo ngại và có thể đòi hỏi phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài ra, nếu đợt bùng phát hiện tại tạo tác động đáng kể đến nhu cầu nội địa và áp lực lạm phát, chúng ta có thể nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng.
Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần chuẩn bị cho kịch bản đi xuống, đồng thời tiếp tục cân bằng giữa hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng.
Các nhà chức trách cần tiếp tục theo dõi thận trọng mức nợ xấu và thực hiện những bước cần thiết để tăng cường khả năng phục hồi của các ngân hàng.
Các quy tắc phân loại khoản vay và trích lập dự phòng cần được bình thường hóa càng sớm càng tốt. Khung đánh giá doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cũng nên được nâng cấp để quản lý hiệu quả rủi ro gia tăng nợ xấu.
Nguồn: Báo xây dựng