IFC rót 30 triệu USD vào dự án xử lý chất rắn sinh hoạt của Thuận Thành EJS

International Finance Corporation (IFC), thành viên thuộc World Bank, mới đây đã công bố khoản đầu tư tài chính 30 triệu USD vào CTCP TNHH Năng lượng xanh T&J (T&J) – doanh nghiệp dự án nhà máy xử lý chất rắn sinh hoạt công nghệ cao tại Bắc Ninh.

Nhà máy này có quy mô 4,8ha, tổng vốn đầu tư 1.348 tỉ đồng, công suất xử lý chất thải rắn tối đa 500 tấn/ngày đêm, công suất phát điện từ 11 – 13 MW, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý 4/2023. Chủ đầu tư dự án là CTCP Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) và JFE Engineering Corporation (Nhật Bản).

Theo tìm hiểu của VietTimes, doanh nghiệp dự án – công ty T&J – được thành lập vào ngày 28/12/2020, đặt trụ sở tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

T&J ban đầu đăng ký quy mô vốn điều lệ 269,7 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Thuận Thành TJS (60% VĐL) và JFE Engineering Corporation (40% VĐL). Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Takanobu Ohara (SN 1972). Tuy nhiên, tới tháng 3/2021, vai trò người đại diện theo pháp luật của T&J đã trao cho Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Vũ Mạnh Tiến (SN 1979).

Được biết, Thuận Thành EJS và đối tác Nhật Bản còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ cho T&J vào tháng 4/2022. Sau đợt tăng vốn này, tỉ lệ sở hữu của Thuận Thành EJS dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 55% vốn điều lệ.

IFC rót 30 triệu USD vào dự án xử lý chất rắn sinh hoạt của Thuận Thành EJS ảnh 1

Như VietTimes từng đề cập, Thuận Thành EJS là doanh nghiệp xử lý rác thải công nghiệp lớn bậc nhất miền Bắc và cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thải cho Tập đoàn Samsung.

Dưới sự chèo lái của doanh nhân Vũ Văn Đắc (SN 1966), Thuận Thành EJS đều đặn mang về những khoản lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2019.

Tính đến ngày 21/6/2016, vợ chồng ông Vũ Văn Đắc – bà Nguyễn Thị Thoa nắm giữ 60% cổ phần Thuận Thành EJS. Trong khi đó, 40% cổ phần còn lại của Thuận Thành EJS do ông Nguyễn Trọng Khánh (SN 1972) đứng tên.

Ông Nguyễn Trọng Khánh từng công tác tại nhà máy Toyota Vĩnh Phúc trong giai đoạn từ năm 1997 – 2007, từng làm đến chức vụ Trưởng phòng sản xuất. Sau đó, ông Khánh có vài tháng làm việc tại Panasonic Electric Việt Nam, trước khi chung vốn với ông Vũ Văn Đắc thành lập Công ty TNHH Tiếp vận Dasuka (Dasuka Logistics) vào tháng 8/2008.

Các cá nhân kể trên còn góp vốn tại nhiều pháp nhân khác như Công ty Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi sao Xanh (TNHH), CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ môi trường sạch (nay là CTCP Đầu tư công nghiệp và TMD Tân Yên).

Ngoài ra, ông Vũ Ngọc Tú – sinh năm 1989, con trai ông Vũ Văn Đắc – cũng đang gây dựng một sự nghiệp kinh doanh đáng nể. Ông Tú từng có 1 năm công tác ở Chứng khoán MaritimeBank, Trợ lý Hội đồng thành viên tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi Sao Xanh, Giám đốc tài chính của Thuận Thành EJS.

Đến tháng 6/2016, ông Vũ Ngọc Tú thành lập CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings), với quy mô vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Trong đó, ông Tú góp 499,5 tỉ đồng, sở hữu 99,9% vốn điều lệ.

Như VietTimes từng đề cập, VSD Holdings, ông Vũ Ngọc Tú và DNP Water thường xuyên song hành cùng nhau trong các thương vụ M&A ngành nước./.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích