Ì ạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Tháo gỡ những nút thắt
Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các vướng mắc về tài chính trong quản lý điều hành doanh nghiệp chưa được xử lý triệt để gây khó khăn, chậm trễ cho quá trình cổ phần hóa.
Hoạt động tại một dây chuyền tuyển than. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) |
Trong bối cảnh thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn “ì ạch” suốt thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí phân loại, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng đây được xem là công cụ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước.
“Ì ạch” cổ phần hóa
Tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã được xem là một nhiệm vụ quan trọng kể từ Đại hội IX qua Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 9.
Sau 20 năm, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn cần phải quyết liệt hơn để thực sự có được những doanh nghiệp lớn mạnh, hiệu quả và là trụ cột của nền kinh tế.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, quản lý và sử dụng vốn nhà nước được nâng cao hơn. Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập bình quân của người lao động, tổng nộp ngân sách nhà nước, cũng như khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân đều tăng…
Không khó để nhận ra đặc điểm chung của những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, như: Vinamilk (Công ty cổ phần sữa Việt Nam), FPT (Tập đoàn công nghệ FPT), REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh)… đều có nguồn gốc là các doanh nghiệp nhà nước. Đây là những đơn vị hoạt động kinh doanh hiệu quả, luôn duy trì được giá trị vốn hóa cao.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho biết kể từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần có sự tham gia chi phối của cổ đông nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện từ tháng 7/2005 đến nay, SCIC luôn thể hiện vai trò của một cổ đông lớn, năng động, tích cực, hỗ trợ công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp nhà nước đang thực sự đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt mở đường cho các thành phần kinh tế khác, đặc biệt khi nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19 thì vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy trong những tháng đầu năm nay, Bộ này đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng.
Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 6/2021, đã có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Tuy nhiên, trong 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạt 30% kế hoạch cổ phần hóa. Số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch những tháng còn lại năm 2021 là 89 doanh nghiệp. Như vậy, việc hoàn thành mục tiêu là rất khó.
“Những chuyển biến này chưa thực sự tương xứng với các lợi thế, cũng như quy mô về tổng tài sản và nguồn vốn của các doanh nghiệp này,” Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng các tồn tại, vướng mắc về tài chính trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp cũng chưa được xử lý triệt để gây khó khăn, chậm trễ cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.
Các doanh nghiệp chưa thực hiện cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao, khó hấp dẫn nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn…
Cần chuyển “lượng” thành “chất”
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã thể hiện rõ nét, mạnh mẽ tinh thần phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp cấp 1 (các công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ-con và công ty độc lập), Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt hình thức sắp xếp. Đối với doanh nghiệp cấp 2 (công ty con trong nhóm công ty mẹ-con), công ty mẹ được quyền chủ động đưa ra phương án sắp xếp căn cứ vào hiệu quả hoạt động và vai trò của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg chỉ ban hành tiêu chí phân loại, không bao gồm danh sách cụ thể doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp nhằm mục tiêu sớm ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, tạo khung pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương rà soát để có định hướng sắp xếp.
Kế hoạch sắp xếp lại giai đoạn 2021-2025 dự kiến được ban hành dưới dạng quyết định chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ để tạo thuận lợi trong việc kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
“Điều này tạo ra sự linh hoạt trong thực hiện thông qua việc cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét một số trường hợp liên quan thực hiện nhiệm vụ công ích, hoạt động gắn với địa bàn chiến lược quốc phòng, an ninh hoặc có vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc phát triển kinh tế-xã hội của ngành và địa phương…,” Thứ trưởng Đông khẳng định.
Bước tiếp theo của Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg là việc Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch sắp xếp lại với các doanh nghiệp cấp 1 thực hiện cổ phần hoá trong giai đoạn 5 năm tới.
Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ phê duyệt kế hoạch chung gồm gần 500 doanh nghiệp cấp 1 thực hiện theo các hình thức: duy trì là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ phần hóa theo tỷ lệ tương ứng: trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và trên 65% vốn điều lệ; thoái vốn; 7 đề án tái cơ cấu của 6 tập đoàn gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong giai đoạn 2021-2025; trong đó có định hướng sắp xếp các doanh nghiệp cấp 2 của các tập đoàn, tổng công ty này.
Đóng gói sản phẩm pin R20 tại Công ty Cổ phần Pin Hà Nội (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) |
Các cơ quan đại diện chủ sở hữu, công ty mẹ sẽ được phân cấp phê duyệt hơn 1.000 doanh nghiệp cấp 2, cấp 3 tại các đề án cơ cấu lại doanh nghiệp.
Ông Phạm Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ kế toán và đảm bảo, Deloitte Vietnam cho rằng những điểm mới của Quyết định 22 rõ ràng tạo được sự linh hoạt, chủ động trong sắp xếp đổi mới doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Công ty mẹ, người đại diện phần vốn góp của nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu được chủ động phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo tiêu thức đã công bố, đồng thời xây dựng đề án tái cơ cấu dựa trên đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.
“Việc ban hành và triển khai Quyết định 22/2021/QĐ-TTg tạo cơ chế nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong sắp xếp, thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa,” Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định./.
Nguồn: Báo xây dựng