Hy vọng sẽ không còn thiếu trường công

Cũng như mọi năm, các bậc phụ huynh có con vào lớp 1, lo lắng chọn trường; các cháu học sinh cuối cấp 1 (bậc tiểu học), “đôn đáo” học tập để có bảng điểm tốt để xét tuyển vào cấp 2. Học sinh cấp 2 (Trung học cơ sở công lập), đặc biệt là lớp 8, 9 “đua nhau” học ngày, học đêm, học thêm để có suất vào học trường công cấp 3 (trung học phổ thông công lập). Thiếu trường công, dân số ngày một tăng, trong khi đại đa số người dân có mức thu nhập trung bình là nguyên nhân chính dẫn đến “gánh nặng” học hành cho “trận chiến” vào trường công của các cháu học sinh.

Cấp bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia cho các trường THPT, tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh - Hình 1
Với nhiều cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Thành phố tạo bước đột phá mới về Giáo dục – Đào tạo; trong đó có vấn đề thời sự “phủ kín” trường công. (Ảnh minh họa)

Lao động Thủ đô từng có một số bài phân tích sâu về chủ đề này. Trong đó, nhận mạnh với một Thành phố dân số tăng ở mức cơ học, hàng năm có hàng ngàn sinh viên, học viên… ra trường ở lại Thủ đô làm việc, sau đó xây dựng gia đình, nên nhu cầu học tập của các cháu là rất lớn, trong khi quỹ đất lại có hạn, dẫn đến việc thiếu trường.

Cạnh đó, trước đây do công tác quản lý, nhiều khu đô thị khi phê duyệt chủ trương đầu tư, lập dự án tiền khả thi có quỹ đất xây trường, nhưng khi triển khai nhiều nơi không xây trường học, thay vào đó xây thêm chung cư… việc thiếu trường càng trở nên trầm trọng.

Để giải quyết tình trạng này, đặc biệt tại một số “điểm nóng” như quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, vừa qua đã tiến hành thu hồi một số dự án “bỏ hoang”, hoặc thu hồi đất các hạng mục không cần thiết để xây dựng trường. Đây là những bước đi, cách làm được nhân dân, cử tri đồng thuận, đánh giá cao.

Từ những việc làm trên, nhân năm học mới sắp bắt đầu, nhằm thực hiện quyền được đến trường, quyền được học hệ thống trường công lập, đồng thời tiếp tục thể hiện tính ưu Việt của chế độ ta; của Thủ đô đất nước, trong bối cảnh Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; thành phố Hà Nội và cơ quan chuyên môn đang tiến hành cụ thể hóa các văn bản dưới luật nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Theo các chuyên gia, đây chính là một trong những cơ sở quan trọng, để Thành phố có đủ cơ sở pháp lý cả về cơ chế tài chính, cơ chế tuyển dụng lẫn cơ chế trong việc thu hồi các dự án treo, dự án không hiệu quả, các trụ sở cơ quan Nhà nước đã có quỹ đất xây trụ sở khác để tiến hành xây dựng trường công thuộc các cấp cho học sinh học.

Với suất đầu tư khoảng từ 130 tỷ đồng/trường học, xét trong bối cảnh tiềm lực tài chính của Thành phố hiện nay thì không có gì lớn. Mỗi năm, nếu có quỹ đất, Thành phố có thể xây mới hàng chục trường công cho học sinh.

Lại một năm học mới bắt đầu, hy vọng thời gian tới, với sự quan tâm của Thành phố xem “Giáo dục – Đào tạo là quốc sách hàng đầu” phụ huynh lẫn học sinh không còn phải vất vả với hành trình học tập cho “cuộc chiến” chọn trường công như hiện tại.

Lê Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích