Huyện Thạch Thất: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới
Theo đó, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Trung ương và Chỉ thị 22-CT/TU ngày 10/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thạch Thất quan tâm chỉ đạo thực hiện; từng bước tạo được những chuyển biến tích cực về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên địa bàn huyện. Trong đó, đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ mọi mặt cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế.
UBND huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều hình thức như: Hỗ trợ kiến thức, vay vốn, giới thiệu việc làm, ngày công…
Thời gian qua, công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên địa bàn huyện Thạch Thất có nhiều chuyển biến tích cực. |
Đến nay, tổng các nguồn vốn vay thông qua Hội quản lý dư nợ là trên 213 tỷ đồng, cho 6.246 lượt hội viên vay với số vốn 208 tỷ đồng giúp phụ nữ có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Phòng Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội LHPN huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 25.120 lao động nữ là con em, hội viên phụ nữ; mở 38 lớp dạy nghề cho 2.912 lượt phụ nữ; 866 phụ nữ đi xuất khẩu lao động nước ngoài; giới thiệu cho 12.835 lượt phụ nữ làm việc tại các doanh nghiệp, giúp phụ nữ có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập…
Kết quả, đã giúp đỡ 100% hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ được nâng cao mức sống. Trong đó, có 474 hộ thoát nghèo, 315 hộ ra khỏi diện cận nghèo, 110 hộ khó khăn được giúp đỡ phát triển kinh tế.
Điển hình như tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gà “sạch”, mở rộng thị trường tiêu thụ, Hội LHPN xã Tiến Xuân đã thành lập Tổ hợp tác gà đồi với 15 thành viên. Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân Bùi Thị Ngọc kiêm Tổ trưởng Tổ hợp tác gà đồi cho biết, mỗi gia đình tham gia tổ hợp tác có quy mô đàn gà từ 500 con trở lên.
Được sự quan tâm của các cấp Hội, chị em trong xã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tiếp cận theo hướng công nghệ sinh học, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các thành viên còn được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, kiểm định chất lượng. Gà thương phẩm cung cấp ra thị trường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên lượng hàng tiêu thụ tăng, giúp các thành viên có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống.
Riêng gia đình chị Bùi Thị Ngọc đã phát triển trang trại tổng hợp, nuôi lợn rừng, gà đồi, thả cá kết hợp trồng các loại cây ăn quả, mỗi năm có thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 – 7 lao động thời vụ tại địa phương.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ được huyện tăng cường. Các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức 138 hội nghị tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội cho 34.520 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận kiến thức về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội…
Đặc biệt, các hoạt động chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái, xây dựng cuộc sống gia đình đã được quan tâm triển khai thực hiện. Trong những năm qua, đã phối hợp tổ chức 355 buổi chăm sóc sức khỏe với 53.250 lượt phụ nữ tham gia; 125 buổi khám sức khỏe định kỳ cho 11.865 lượt phụ nữ; tư vấn, khám bệnh miễn phí cho 5.936 lượt phụ nữ. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, phụ nữ khuyết tật, cô đơn được thực hiện đầy đủ và kịp thời.
Bên cạnh đó, huyện cũng coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia các cơ quan dân cử, cơ quan hành chính Nhà nước tăng so với các nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2020 – 2025 cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp có 65 đồng chí, cấp huyện đạt tỷ lệ 17%, cấp xã đạt 22%; công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội LHPN các cấp được coi trọng…
Trong thời gian tới, huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục quan tâm phân bổ thêm nguồn lực đầu tư cho các hoạt động về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tiếp tục nâng cao vai trò của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; quan tâm công tác tập huấn về bình đẳng giới cho đội ngũ làm công tác này.
Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, lồng ghép trong kế hoạch, chương trình, đề án của huyện để nâng cao toàn diện các mặt công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Nguồn: Báo lao động thủ đô