Huyện Tân Yên (Bắc Giang) phấn đấu phát triển kinh tế toàn diện, bền vững

Phấn đấu mục tiêu phát triển toàn diện, năng động

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2030, huyện Tân Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân đạt 14 – 15%/năm. Trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 18 – 19%/năm, dịch vụ tăng 12 – 15%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,5 – 5,5%/năm. Giá trị sản xuất bình quân/người năm 2030 đạt khoảng 330 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân từ 13-15%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 48 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa chiếm 28,4%. Huyện đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị thị trấn Cao Thượng và thị trấn Nhã Nam; thành lập thị trấn Ngọc Thiện (Bỉ) và thị trấn Việt Lập trong giai đoạn 2021 – 2030.

Toàn huyện từng bước trở thành địa phương phát triển năng động với nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, dịch vụ đa dạng với trọng tâm là dịch vụ trung chuyển, thương mại dịch vụ công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng dựa trên các lợi thế sẵn có về di tích lịch sử – văn hóa, sinh thái và cảnh quan. Hạ tầng đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng xanh giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, đến năm 2045, huyện Tân Yên sẽ trở thành huyện có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, trên cơ sở phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp, đô thị và du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Công nghiệp phát triển bền vững, hình thành một số cụm ngành với sản phẩm chủ lực, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu; nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, công nghệ cao với nhiều sản phẩm đặc trưng, là ngành quan trọng giúp đảm bảo an ninh lương thực và sự ổn định xã hội; dịch vụ phát triển với trọng tâm là dịch vụ du lịch, logistic, các ngành dịch vụ mới. Tăng tỷ lệ đô thị hóa, hình thành thêm từ 2 – 3 thị trấn, xây dựng huyện đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Tập trung phát huy tiềm năng, tận dụng lợi thế, phát triển bền vững  

Để thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra, huyện Tân Yên sẽ tích cực tham gia các chương trình hợp tác liên kết của tỉnh Bắc Giang với các tỉnh để tranh thủ xây dựng, phát triển chuỗi liên kết, giao thương, tạo điều kiện liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm của huyện.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với các nhà đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của huyện tới các đối tác.

Thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ theo hướng bền vững, tận dụng những lợi thế sẵn có của huyện như đất đai, lao động; tập trung việc thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp quy mô, tạo điều kiện phát triển hạ tầng đồng bộ và quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

z3784331604927_1a639c981eed3237075db26e23bebb79
Tân Yên đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, xác định công nghiệp là động lực chính trong bức tranh tăng trưởng toàn huyện.

Xác định công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng của huyện, trên cơ sở đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tập trung thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, ít thâm dụng, tiết kiệm đất đai, tạo giá trị gia tăng cao, tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Cùng với đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, dệt may, cơ khí sửa chữa và lắp ráp. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 23,4%/năm.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung cho phát triển giao thông kết nối; phối hợp đầu tư thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh thuộc địa bàn huyện; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường huyện, triển khai xây dựng và hoàn thành một số tuyến giao thông kết nối quan trọng.

z3784301165939_a6c83e04a52500fa31c8aa3e830e2313
Huyện Tân Yên tập trung phát triển du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch cộng đồng.

Với tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, huyện Tân Yên cũng chú trọng xây dựng và phát triển dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái tâm linh, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch cộng đồng; với điểm nhấn là Khu quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Yên Thế (trong đó 21 di tích thuộc huyện Yên Thế, Tân Yên); Khu lưu niệm Sáu điều Bác dạy Công an Nhân dân; Sân Golf và khu du lịch nghỉ dưỡng tại Núi Dành, Khu mộ Nàng nữ Giã Đại thần… Ngoài ra còn tập trung khai thác các tour du lịch cộng đồng, ẩm thực đặc sản như thăm vùng cây ăn quả, khu tâm linh sinh thái núi Dành…

z3784331597925_8e83cfa9500e54d1a0b4c557aff666fb
Xác định 2 loại cây ăn quả chính là vải thiều (vải sớm) và bưởi là sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc trưng của huyện.

Cùng đó, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh nông sản chủ lực, đặc trưng có lợi thế của từng vùng, khuyến khích nông dân phát triển cây ăn quả. Xác định 02 loại cây ăn quả chính là vải thiều (vải sớm), bưởi là sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc trưng của huyện.

Hình thành và phát triển các trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm có thế mạnh như lợn, gà…; đưa huyện thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh; nhân rộng các mô hình, đề án sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; phấn đấu đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 – 2030 duy trì ở mức 5%/năm.

Với tiềm lực phát triển lớn, cùng chiến lược, mục tiêu, giải pháp cụ thể, đồng bộ, phát huy những kết quả đạt được trên cơ sở tập trung phấn đấu cho chặng đường mới, chắc chắn huyện Tân Yên sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra và bứt phá trong thời gian tới./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích