Huyện Tân Yên 65 năm xây dựng và trưởng thành
PV: Trước tiên xin ông hãy cho biết những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện từ khi thành lập cho đến nay?
Ông Nguyễn Viết Toàn: Cuối năm 1957, huyện Tân Yên được thành lập sau khi chia tách từ huyện Yên Thế. Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, sau ngày đất nước hòa bình, độc lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Yên đã bền gan, vững chí, không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương. Từ một vùng quê nghèo, thế nhưng chỉ sau mấy chục năm đổi mới và nỗ lực vươn lên, Tân Yên đã bừng lên sức sống mới.
Sau 65 năm thành lập, huyện Tân Yên ngày nay đã đổi mới trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Năm 2020 huyện đã đạt đích nông thôn mới, từ đó thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và nâng cao mức sống cho người dân.
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành vượt mức các mục tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra.
Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu về giá trị, chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất bình quân đầu người… đều đạt và vượt so với mục tiêu Đại hội và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân là 12,1%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người 82,7 triệu đồng. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp – dịch vụ. Cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực đầu tư xây dựng tăng trưởng ở mức cao, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.100 tỷ đồng.
Xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm, thực hiện; huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với số tiền 2.342 tỷ đồng, với kết quả đó, Tân Yên là một trong 3 huyện về đích nông thôn mới sớm nhất của tỉnh.
Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025 Tân Yên có nhiều thuận lợi. Trong phương hướng, mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII đã đề ra, Tân Yên xác định kết nối giao thông là tiền đề quan trọng để huyện Tân Yên bứt phá trong phát triển KT-XH. Giao thông là “mạch máu” của sự phát triển và cũng là mong mỏi của chính quyền và nhân dân Tân Yên.
Năm 2021, ngoài lợi thế được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, mở mới một số tuyến đường chạy qua địa bàn huyện: đường nối từ QL17-QL37 đi Võ Nhai (Thái Nguyên), tỉnh Bắc Giang; đường nối từ QL37 – QL17 – ĐT.292 (đoạn Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang), tỉnh Bắc Giang; nâng cấp, mở rộng ĐT298 (đoạn Đình Nẻo đi Việt Yên); nâng cấp, mở rộng ĐT.294 (từ Tân Sỏi, Yên Thế đi Phúc Sơn – Tân Yên); nâng cấp, mở rộng QL17 đoạn từ thị trấn Nhã Nam đi Phồn Xương, Yên Thế…
Bên cạnh đó, những năm gần đây huyện Tân Yên đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 2 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng kinh doanh cụm công nghiệp (Đồng Đình, Lăng Cao), thu hút trên 8.500 lao động; huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Ngoài ra, Tân Yên cũng đẩy mạnh phát triển các khu đô thị và khu dân cư nông thôn mở rộng không gian phát triển đô thị, nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và nhiều tiện ích sống.
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Yên đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu KT – XH năm 2022 để đón chào sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày thành lập huyện. Sẽ có thêm những thành tựu mới về hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và lĩnh vực văn hóa xã hội. Tân Yên trong tương lai gần sẽ sầm uất, hiện đại và hội nhập mạnh mẽ. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đang quyết tâm xây dựng Tân Yên là một trong những huyện của tỉnh Bắc Giang có những bứt phá về kinh tế, xã hội là “điểm đến” tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
PV: Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư có vai trò rất quan trọng, là hạt nhân trong phát triển kinh tế, là nhân tố đóng góp tích cực để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện Tân Yên. Ông có thể cho biết những thành tựu của cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong những năm qua và định hướng phát triển trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Viết Toàn: Tân Yên là huyện tiếp giáp thành phố Bắc Giang và các huyện có công nghiệp, đô thị phát triển như huyện Việt Yên, Hiệp Hòa; hệ thống giao thông kết nối đối ngoại, đối nội đã và đang được đầu đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp; quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp có nhiều dư địa; nguồn lao động dồi dào, đây sẽ là tiền đề cho việc mở rộng và phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện.
Thời gian qua, việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra còn quy hoạch khoảng 300 ha đất sản xuất kinh doanh trải đều cho 22 xã, thị trấn, mỗi xã, thị trấn quy hoạch từ 1-2 điểm CN-DV để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Trong giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo Tân Yên xác định lấy phát triển công nghiệp làm động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 20%. Thu hút nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng 04 khu công nghiệp (gồm Khu công nghiệp Phúc Sơn, Khu công nghiệp Thượng Lan – Ngọc Thiện, Khu công nghiệp Ngọc Lý, Khu công nghiệp Ngọc Thiện); lấp đầy khoảng 80% diện tích tại 02 cụm công nghiệp (Đồng Đình, Lăng Cao), thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng và lấp đầy khoảng 20% diện tích 06 cụm công nghiệp còn lại.
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu nêu trên và phấn đấu đến năm 2025 giá trị công nghiệp chiếm 47% trong tổng giá trị sản xuất, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước trong thực hiện công tác quy hoạch gắn với tuyên truyền chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp của huyện; tích cực quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Tân Yên về tài nguyên đất, nhân lực lao động tại địa phương và hệ thống giao thông kết nối vùng để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để người dân và nhà đầu tư nắm được, từ đó có quan điểm đồng thuận khi triển khai thực hiện dự án.
Tập trung nắm tình hình dư luận, tạo đồng thuận xã hội trong phát triển công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo. Xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, trong đó: Ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thu hút vốn FDI theo bốn định hướng lớn là: Chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết sử dụng lao động địa phương.
Tập trung thu hút nhà đầu tư lớn có tiềm lực, kinh nghiệm trong đầu tư hạ tầng; tăng cường đồng hành với nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư cạnh tranh phát triển; chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu;
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ. Chủ động phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn. Quan tâm thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án dân cư đô thị, trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn; dịch vụ tài chính, y tế, bảo hiểm, viễn thông vào đầu tư các khu dân cư, đô thị, dịch vụ gần các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tiện ích xã hội đồng bộ cho người lao động cũng như các chuyên gia nước ngoài khi đến làm việc; đồng thời tuyên truyền, quảng bá thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án sân Golf Núi Dành – Việt Lập để tạo điểm nhấn mang tầm quốc tế cho thu hút nhà đầu tư FDI vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Tập trung cao cho lãnh đạo, chỉ đạo tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
Với những giải pháp cụ thể trong thu hút đầu tư, chắc chắn trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sẽ chọn Tân Yên là điểm đến đầu tư, hợp tác cùng phát triển bền vững, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân.
PV: Những năm qua, không chỉ KT-XH mà đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân cũng được tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể hết sức quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Viết Toàn: Theo quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nhận thức rõ điều này, nhiều nhiệm kỳ qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Tân Yên luôn đặt mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo động lực phát triển bền vững.
Là nơi được mệnh danh “Địa linh, nhân kiệt”, Tân Yên được lưu danh với các chứng tích lịch sử như: Đồi Phủ, đình chùa Nam Sơn, đền Gốc Khế, chùa Tứ Giáp, đình Chuông… và nhiều di tích lịch sử ghi lại cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế đứng lên chống thực dân Pháp. Cũng là vùng đất văn hóa giàu truyền thống với các lễ hội dân gian phong phú; nơi làm việc của nhiều cơ quan của tỉnh và Trung ương, phát tích “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”. Từ đó, Tân Yên với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đồng thuận của người dân từng bước phát triển, trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, giao thương giữa các vùng miền.
Việc khai thác tiềm năng du lịch đúng hướng bước đầu đã hình thành các điểm, tuyến du lịch hấp dẫn du khách, lượng du khách vào địa bàn tăng nhanh hằng năm.
Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến năm 2020 có 87,5% hộ dân được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (vượt chỉ tiêu Đại hội 1,5%); 76,1% số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa cấp huyện (vượt chỉ tiêu Đại hội 6,1%); có 21 thôn, tổ dân phố đạt khu dân cư văn hóa điển hình “Sáng – Xanh- Sạch – Đẹp”. .
Phong trào thể dục, thể thao phát triển mạnh, số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên ngày càng tăng, chiếm hơn 40% dân số, thể thao thành tích cao luôn xếp thứ 1/10 huyện, thành phố.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân được tiếp cận thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền thân thiện luôn được quan tâm chỉ đạo tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và đời sống nhân dân phát triển mạnh. Qua đó góp phần quan trọng vào việc giảm tải các thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại của người dân.
Chất lượng và phong trào giáo dục luôn có sự phát triển bền vững. Năm học 2021 – 2022, ngành Giáo dục huyện Tân Yên đã thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều học sinh đạt giải các cuộc thi cấp quốc gia và cấp tỉnh khác do ngành giáo dục tổ chức. Cơ sở vật chất các trường học được đầu tư khang trang hơn, chú trọng vào trang thiết bị học tập cho học sinh, tập trung phát triển cho các mầm non tương lai.
Công tác xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, hình thành thêm nhiều cơ sở y tế tư nhân, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe. Qua các đợt dịch Covid- 19 bùng phát trên địa bàn cho thấy hệ thống y tế dự phòng có khả năng đáp ứng tình huống dịch bệnh xảy ra. Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất ở cả tuyến huyện và tuyến xã gắn với nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ; 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Trong giai đoạn tiếp theo, chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục là nhiệm vụ chủ yếu cần sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và từng người dân. Ở đó, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương để hoàn thành mục tiêu đại hội về lĩnh vực văn hóa, xã hội; góp phần cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu