Huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ ký kết hợp tác cùng phát triển

(Xây dựng) – Ngày 24/7, Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) ký kết chương trình phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) về triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ ký kết hợp tác cùng phát triển
Đồng chí Nguyễn Việt Dũng – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô và đồng chí Võ Viết Cường – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ ký kết Chương trình phối hợp (ảnh: Cổng TTĐT huyện Cô Tô)

Tại Lễ ký kết, lãnh đạo hai huyện đảo đã thông tin về vị trí địa lý, lịch sử hình thành và quá trình phát triển; tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương.

Để tạo sự kết nối giữa hai huyện đảo, Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô và Ban Thường vụ Huyện ủy đảo Cồn Cỏ đã thống nhất ký kết chương trình phối hợp với các nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm trong giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển, đảo; xây dựng Khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, sẵn sàng chiến đấu cao, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; về công tác phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.

Phát triển du lịch và lễ hội biển: Phối hợp tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch để Nhân dân hai huyện đảo tìm hiểu, tiếp cận thông tin, thăm quan du lịch, tìm hiểu truyền thống văn hóa, lịch sử; chia sẻ kinh nghiệm phát triển và tổ chức, quản lý lễ hội biển, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương; phát huy các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh và tăng khả năng liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội giữa hai địa phương trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế biển: Phối hợp, trao đổi kinh nghiệm quản lý, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; quản lý, khai thác, vận hành khu neo đậu tránh trú bão. Phối hợp tuyên truyền kiến thức pháp luật về lãnh hải, biển đảo, Luật biển; quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; hướng dẫn ngư dân hiểu rõ phạm vi đánh bắt hải sản trên Biển Đông, vùng đánh bắt chung giữa các nước mà Việt Nam đã ký kết; tuyệt đối không xâm phạm lãnh hải và khai thác trái phép hải sản của các nước khác trong khu vực.

Bảo vệ môi trường biển, đảo: Tuyên truyền, vận động Nhân dân, du khách nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của rác thải đại dương, rác thải nhựa; bảo tồn hệ sinh thái biển, chống khai thác thủy sản bằng công cụ cấm và tận diệt; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành và phát triển khu bảo tồn biển; thu gom và xử lý rác thải, nước thải; chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ ký kết hợp tác cùng phát triển
Toàn cảnh buổi lễ ký kết (ảnh: Cổng TTĐT huyện Cô Tô).

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai địa phương cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nguồn năng lượng vùng biển đảo; bảo đảm nguồn điện ổn định cung cấp điện tại chỗ trong những ngày thời tiết xấu hoặc khi có các sự cố xảy ra. Cùng nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù: Xử lý nước thải và rác thải ở các huyện đảo; Ổn định Nhân dân, gắn bó lâu dài trên đảo; Việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho ngư dân; Chinh sách cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động công tác tại các huyện đảo xa bờ nhằm giảm bớt một phần khó khăn, ổn định đời sống, yên tâm công tác; thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ, chất lượng cao và lao động là con em người dân trên đảo trở về địa phương công tác, cống hiến.

Huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ ký kết hợp tác cùng phát triển
Đoàn công tác Huyện đảo Cồn Cỏ dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (ảnh: Cổng TTĐT huyện Cô Tô).

Việc ký kết chương trình phối hợp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 03/4/2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích