Huy động tối đa nguồn lực để ứng phó, hạn chế thiệt hại, kịp thời hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Chiều 9/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị để đánh giá tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và tiếp tục ứng phó các nguy cơ sau bão.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo nhanh tình hình thiệt hại sau cơn bão số 3, Bộ Chính trị đã thảo luận đánh giá công tác phòng, chống lụt bão những ngày qua, xem xét diễn biến, các nguy cơ có thể xảy ra và chỉ đạo nhiệm vụ cần tập trung thực hiện ngay trước mắt, cũng như công việc cần phải chuẩn bị về lâu dài.
Theo các ý kiến tại đánh giá tại cuộc họp, việc dự báo tương đối chính xác, giúp công tác chỉ đạo của Chính phủ kịp thời, công tác chuẩn bị phòng, chống bão của các ngành, địa phương được chủ động, góp phần hạn chế thiệt hại. Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt 3 trước, 4 tại chỗ; các địa phương tổ chức trực chiến liên tục; các lực lượng được điều động kịp thời, nhất là lực lượng công an, quân đội thường xuyên có mặt tại hiện trường tham gia ứng phó, cứu hộ, cứu nạn…
Công tác thông tin, tuyên truyền rất tốt; báo chí đã vào cuộc cập nhật tình hình đầy đủ, liên tục góp phần tích cực cùng chính quyền địa phương tăng cường công tác chuẩn bị, ứng phó, cảnh báo nhân dân chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn trước, trong và sau bão.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Tuy nhiên, đây là cơn bão lớn nhất trong 30 năm trở lại đây ở Biển Đông, riêng trong năm 2024 thế giới ghi nhận đến thời điểm này là cơn bão có sức gió mạnh nhất. Trong thực tế, 70 năm nay mới có cơn bão lớn như vậy vào đất liền, cho nên khi đổ bộ vào Việt Nam vẫn gây thiệt hại hết sức nặng nề, nhất là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các địa phương rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả, chăm lo đời sống của nhân dân khu vực bị ảnh hưởng, nhất là những gia đình bị thiệt hại nặng nề.
Các địa phương vừa tích cực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, thống kê thiệt hại để kịp thời có phương án khắc phục hỗ trợ, đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực để ứng phó với diễn biến khó lường của thời tiết…
Hiện các địa phương đang tiếp tục tích cực chống chọi trước diễn biến hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra. Dự báo đêm nay và hai ngày tới, sẽ tiếp tục có mưa lớn diễn ra trên diện rộng vùng đồng bằng Bắc Bộ, trung bình từ 70-150mm, có nơi hơn 300mm, kéo theo nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao.
Tinh thần chỉ đạo thống nhất là toàn hệ thống chính trị và nhân dân không được chủ quan, tăng cường cảnh giác, chủ động các phương án đối phó với diễn biến bất thường, nguy hiểm của thời tiết. Huy động tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn và ổn định đời sống của nhân dân.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư biểu dương tinh thần nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an và nhân dân trong triển khai phòng, chống cơn bão số 3 vừa qua, góp phần giảm thấp nhất thiệt hại trong khả năng có thể. Biểu dương các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đã tích cực tuyên truyền góp phần cảnh báo và thúc đẩy tinh thần đối phó từ sớm, từ xa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chia buồn tới người thân, gia đình các đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ; chia sẻ với những mất mát, đau thương của các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thiệt hại nặng nề do cơn bão. Đồng chí khẳng định, Nhà nước, Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ, cứu trợ, bảo đảm an toàn cho nhân dân, tất cả vì cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết. |
Về tình hình hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, bão số 3 đã qua rồi, nhưng những hậu quả, diễn biến sau đó là vấn đề cần đặc biệt quan tâm vì nó sẽ cực kỳ khó khăn và diễn ra trên diện rộng. Thí dụ đối với tình trạng ngập lụt, cô lập địa bàn, việc tiếp cận người dân để tiếp tế, cứu trợ là rất khó khăn, có nơi còn chưa có phương án, cần khẩn trương. Cùng đó là những nguy hiểm rình rập như lũ quét, sạt lở, hư hại công trình giao thông…
Lưu ý, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra cho thấy tình hình rất khẩn cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Trước mắt, các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ bà con vượt qua thời gian khó khăn.
Mỗi bộ, ngành, địa phương phải tăng cường sự chủ động, bám sát tình hình địa bàn, triển khai tốt nhiệm vụ của mình, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ. Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ các địa phương đang gặp khó khăn, trong đó phân công rõ ràng việc hỗ trợ đối với các địa bàn trọng điểm về thiệt hại, nguy hiểm, cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói. Ưu tiên hỗ trợ kịp thời gia đình khó khăn, hoạn nạn, có người già, trẻ nhỏ, người ốm đau… Cùng với việc kịp thời hỗ trợ, chăm lo đời sống của người dân, cần quan tâm đầy đủ về phương tiện, đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ để bảo đảm sức chiến đấu.
Công tác kiểm tra đê điều phải được triển khai chặt chẽ, phát hiện những nơi có nguy cơ cao để gia cố, bảo vệ. Tổ chức di dời nhân dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tính toán, cân nhắc điều tiết việc xả lũ sao cho hợp lý, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa bàn để có cân đối tổng thể. Tập trung khắc phục ngay các sự cố giao thông; tăng cường các phương án giao thông (kể cả đường hàng không) để bảo đảm không bị gián đoạn việc ứng phó, cứu trợ, cứu nạn, đặc biệt ở các vùng sâu xa, khó khăn.
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cả nước, tổ chức cuộc vận động quyên góp hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bão số 3. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, cập nhật tình hình kịp thời để thông tin nhanh, đầy đủ, tích cực cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phương án cho gia đình, tránh chủ quan, gặp nguy hiểm. Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự để bảo vệ tài sản cho người dân. Khẩn trương khôi phục các cơ sở y tế, giáo dục để các cháu được tiếp tục năm học mới, người dân được chăm sóc sức khỏe. Vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh.
Nguồn: Báo xây dựng