Huy động đa dạng nguồn lực, đóng góp phát triển hoạt động đo lường
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Kế hoạch).
Kế hoạch được đưa ra nhằm thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường của địa phương.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch đến năm 2025 là hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa ít nhất 05 loại chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 50 lượt người tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho ít nhất 20 lượt doanh nghiệp, tổ chức bao gồm doanh nghiệp có vốn Nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân;
Kiểm định công tơ điện xoay chiều một pha tại Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL Bạc Liêu. Ảnh: Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL Bạc Liêu
Triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 01 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn tỉnh cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Định hướng đến năm 2030 sẽ hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa ít nhất 10 loại chuẩn đo lường, phương tiện đo nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 150 lượt người tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho ít nhất 40 lượt doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn Nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân;
Triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 02 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn tỉnh cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Kế hoạch đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể như: Áp dụng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ về đo lường; đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động đo lường.
Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ được giao làm đầu mối chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ban, ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch.
Trong thời gian tới, các chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế đất nước, cũng như nhu cầu tất yếu về phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế thế giới đã đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao cho hoạt động đo lường. Bởi đây là hoạt động quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, góp phần không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp được coi là trọng tâm tạo ra giá trị cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế. Vì vậy, phát triển hệ thống đo lường quốc gia đồng bộ, hiện đại, và nhiều phép đo (CMCs-MRA) được thừa nhận quốc tế giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp không phải mang chuẩn, thiết bị ra nước ngoài để liên kết chuẩn; hạn chế việc phải tiến hành đo kiểm tra lại các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa khi thông quan. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đo lường, để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đang được triển khai thực hiện và hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá trong hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới. |
Phong Lâm