Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?

MTĐT –  Thứ bảy, 08/10/2022 08:24 (GMT+7)

Theo các nhà khoa học, hút thuốc không phải là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung nhưng nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

tac-hai-thuoc-la-1-(1).jpg
Ảnh minh họa

Virus u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho thấy, hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn xác định được khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung như thế nào. Hút thuốc có thể gây tổn thương DNA hoặc giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với HPV.

Theo Medical News Today, virus HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Nhiều người mắc ít nhất một trong số túyp virus này ít nhất một lần trong suốt cuộc đời của họ. Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng không gây ra triệu chứng và không làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Thông thường, cơ thể tự loại bỏ nhiễm trùng.

Tuy vậy, một số loại HPV làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và khoảng 1% phụ nữ nhiễm HPV tiếp tục phát triển thành ung thư này. Nguy cơ tăng lên theo thời gian và cường độ hút thuốc. Tiếp xúc với khói thuốc hay hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ, mặc dù ở mức độ thấp hơn.

Bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo, ngay khi thấy dấu hiệu bất thường, các chị em nên đến cơ sở chuyên khoa phụ khoa để thăm khám sớm. Cụ thể, các dấu hiệu gồm: Ra máu âm đạo bất thường; ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu; đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng; kinh nguyệt kéo dài, không đều; mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân.

Theo chuyên gia y tế, tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với chị em phụ nữ, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên 35 – 44 tuổi. Đây là phương pháp phát hiện ra các tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 – 90%.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích