Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024

Nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 (22/5), Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc hưởng ứng sự kiện này.

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học diễn ra vào ngày 22/5 hàng năm. Năm 2024, Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học là “Be part of the Plan” – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”.

Đây là thông điệp và là lời kêu gọi các bên liên quan cùng tham gia, đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF), hướng tới ngăn chặn, giảm bớt sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”.

Thông điệp này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung GBF tại Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP16), dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 đến 1/11 tại Cali, Colombia.

ngay-quoc-te-da-dang-sinh-hoc1.png
Chủ đề của Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 là “Be part of the Plan” – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”.

Theo đó, để hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục, đồng thời thúc đẩy lối sống hài hoà với thiên nhiên.

Các cơ quan cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) được thông qua tại Hội nghị COP15; phổ biến, hướng dẫn, thực hiện các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, chỉ thị trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Đồng thời tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo vệ và tôn trọng các phong tục tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương, như các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia và các khu vực được công nhận là Di sản thiên nhiên.

Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị, địa phương có giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học thông qua các biện pháp kiểm soát, tăng cường quản lý con đường du nhập hoặc diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại.

Lâu dài, cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học thông qua các giải pháp như giảm thiểu phát thải, ngăn chặn và giảm rác thải nhựa, quản lý chặt chẽ thuốc trừ sâu và hoá chất dùng trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp, quản lý dịch bệnh, thâm canh bền vững… Đồng thời, lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo sự công bằng, toàn diện và đồng bộ trong quá trình ra quyết định có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.

Bộ TN&MT cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường năng lực về điều tra, kiểm kê, quan trắc, giám sát các thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học. Áp dụng các giải pháp tiên tiến về khoa học công nghệ trong giám sát đa dạng sinh học, phát triển các giải pháp đổi mới nhằm cải thiện việc bảo tồn cũng như sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là một giải pháp quan trọng.

Phát hiện, đề xuất, tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có những mô hình, hoạt động, sáng kiến thiết thực và hiệu quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học có tác dụng tích cực trong khuyến khích, động viên mọi người tham gia bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng thời, Bộ TN&MT cũng đề ra nhiều khẩu hiệu hưởng ứng thông điệp Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 như: “Đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống trên Trái đất”, “Đa dạng sinh học – Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”, “Bảo vệ muôn loài, bảo vệ cuộc sống”, “Hợp tác xuyên biên giới vì sự sống trên Trái đất”, “Bảo tồn thiên nhiên là tiền đề của phát triển bền vững”…

Trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng trong GBF, thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hành động khác nhau, bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; Vấn đề về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; Kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học…

Đồng thời, Việt Nam cũng quan tâm tới xây dựng năng lực cho cán bộ; nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học; khởi xướng những vấn đề liên quan đến lồng ghép đa dạng sinh học trong các ngành, lĩnh vực, bao gồm gắn bảo đồn đa dạng sinh học với du lịch dựa vào thiên nhiên; hoặc những dự án, nhiệm vụ áp dụng các sáng kiến giải pháp dựa vào thiên nhiên vừa bảo tồn đa dạng sinh học, vừa thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu; tiếp cận dựa vào hệ sinh thái…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích