Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về chấm dứt ô nhiễm nhựa
Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về chấm dứt ô nhiễm nhựa
Nghị quyết mang tên “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế” đang được cộng đồng quốc tế chung tay thỏa thuận, cam kết, thực hiện.
Đến năm 2050, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan đến sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa sẽ lên tới 15% lượng khí thải cho phép, như một phần của mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu của hành tinh ở mức 1,50C. Với khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, hơn 800 loài sinh vật biển và ven biển bị ảnh hưởng bởi việc nuốt phải, vướng vào và các mối nguy hiểm khác. Lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2040. Vì vậy, Nghị quyết mang tên “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế” đang được cộng đồng quốc tế chung tay thỏa thuận, cam kết, thực hiện.
Những con số báo động đỏ
Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ 2 triệu tấn năm 1950 lên 348 triệu tấn vào năm 2017, trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 522,6 tỷ USD. Sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.
Ngoài ra, tác động của việc sản xuất nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa đối với 3 cuộc khủng hoảng trên hành tinh gồm BĐKH, mất mát thiên nhiên và ô nhiễm môi trường. Đối với ô nhiễm nhựa, quá trình sản xuất và việc tiếp xúc với nhựa gây hại cho sức khỏe con người, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nội tiết tố, hoạt động trao đổi chất và thần kinh. Trong khi đốt rác nhựa ngoài trời gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Đến năm 2050, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan đến sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa sẽ lên tới 15% lượng khí thải cho phép, như một phần của mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu của hành tinh ở mức 1,50C.
Với khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, hơn 800 loài sinh vật biển và ven biển bị ảnh hưởng bởi việc nuốt phải, vướng vào và các mối nguy hiểm khác. Lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2040.
Trước đó, WWF đã công bố một báo cáo về thực trạng rác thải nhựa đại dương. Mỗi năm, có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là rác thải sản phẩm nhựa dùng 1 lần, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm đại dương. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương, mặc dù, ngày càng nhiều quốc gia triển khai hành động cấm sử dụng sản phẩm nhựa này.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch. Năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Cùng với đó, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.
Hiện nay, thế giới/hành tinh trái đất đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng, hay thách thức về môi trường gồm: BĐKH, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Ô nhiễm chất thải nhựa được xem là 1 trong 3 cuộc khủng hoảng này.
Vấn đề Giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa toàn cầu đã được đặt ra từ lâu, và trải qua quá trình tham vấn ở mọi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, tất cả các quốc gia đã đi đến một quyết định có tính lịch sử tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), tổ chức vào tháng 3/2022 đó là việc thông qua thông qua Nghị quyết 5/14 về “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế”.
Giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa/rác thải nhựa đại dương đã và đang được Chính phủ dành nhiều sự quan tâm, thể hiện qua việc cam kết ở cấp cao tại các diễn đàn lớn của khu vực và quốc tế như G7 mở rộng ở Canada, G20 Nhật bản, HN BTMT Châu Á-TBD,… Việt Nam đã luôn tích cực và thể hiện vai trò tiên phong trong vấn đề này. Tại UNEA5.2 đã cùng các quốc gia thống nhất thông qua NQ5/14.
Việt Nam nỗ lực chuẩn bị tham gia đàm phán Thỏa thuận
Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Theo ông Hoàng Xuân Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT), việc hình thành Thỏa thuận là một xu thế tất yếu của thế giới nhằm giải quyết 1 trong 3 cuộc khủng hoảng nêu trên. Việc Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc gia, đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết vấn đề/thách thức toàn cầu, đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập với quốc tế về vấn đề này. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Đồng thời, là cơ hội để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sạch thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn lĩnh vực nhựa, tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế đối với Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Thời gian từ nay đến năm 2024, khi Thỏa thuận toàn cầu kết thúc, Việt Nam có rất nhiều việc cần làm để chuẩn bị cho đàm phán. Cũng theo ông Hoàng Xuân Huy, nước ta phải chuẩn bị cả nguồn nhân lực trong và ngoài Bộ TN&MT; cùng với đó là phải thực hiện nhiệm vụ đánh giá tác động chính sách (để điều chỉnh, cập nhật và hoàn thiện) và tác động của nó lên KT-XH (để có những sự điều chỉnh, phù hợp) và làm căn cứ để xác định mức độ cam kết. Đó là các ngành sản xuất, công nghiệp nhựa; xuất, nhập khẩu nguyên phụ liệu, phế liệu nhựa; thuế, phí; xử lý chất thải nhựa, tái chế, kinh tế tuần hoàn; tiêu dùng nhựa; ngành sản xuất các sản phẩm thay thế, nhựa sinh học tự phân hủy,… Đây chính là căn cứ để xác định mức độ cam kết (cao, trung bình, thấp) phù hợp với điều kiện và năng lực, đồng thời đảm bảo được lợi ích của quốc gia, đáp ứng xu thế hội nhập, đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu để giải quyết thách thức môi trường toàn cầu này.
Cùng với đó là việc tiến hành thực hiện tham vấn (trước, trong và sau ký kết). Việc tham vấn cần tiến hành với tất cả các bên liên quan (đối tượng tác động trực tiếp (DN, người dân, nhà quản lý, địa phương,…) và tham vấn cả với quốc tế. Nội dung tham vấn sẽ là các nội dung sẽ cam kết; chính sách được điều chỉnh, các giải pháp,… các biện pháp/công cụ hành chính, khuyến khích, xử phạt,…
Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức để mọi người, mọi tầng lớp, các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân hiểu tầm quan trọng của việc VN tham gia Thỏa thuận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhựa cũng như xử lý ô nhiễm chất thải nhựa.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn, các chỉ thị, kế hoạch hành động liên quan đến ô nhiễm nhựa, chất thải (không cần đợi đến khi Thỏa thuận được ký kết mới thực hiện). Thực tế chúng ta đã cam kết tại các diễn đàn và đang nỗ lực thực thi các cam kết này. Các tác động về chính sách cần phải được đánh giá trước, trong đàm phán và sau khi ký kết làm cơ sở cho việc xác định các phương án đàm phán, đưa ra các mức cam kết phù hợp được nội luật hóa thành các chính sách liên quan của quốc gia.
Được biết, tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, dự kiến, Ban công tác đàm phán của Việt Nam sẽ có đại diện Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội sản xuất.
Trong đó, Bộ TN&MT sẽ chịu trách nhiệm quản lý và nội dung chủ trì đàm phán về cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải (trong đó có chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương); tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa; Quản lý, giảm thiểu, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương; Trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa (EPR); Nhãn sinh thái đối với túi ni lông thân thiện môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường; Đặt cọc hoàn trả để tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Mô hình thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về quản lý, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa; nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất.
Chỉ đạo nhiệm vụ này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu. Nếu không kịp thời ngăn chặn, nhân loại sẽ chịu nhiều tác động và gánh hậu quả khó lường trong tương lai. Để chuẩn bị cho việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Thứ trưởng yêu cầu, phải đánh giá đúng thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam, có đối chiếu so sánh với các nước để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đàm phán. Chủ trương và nội dung tham gia đàm phán phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế. Sau khi thống nhất nội dung đàm phán, Việt Nam cần tính đến việc nội luật hóa các quy định trong Thỏa thuận – đây là những nội dung sẽ tác động không nhỏ đến ngành nhựa và ý thức, hành vi tiêu dùng của người dân.
Trần Hùng
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị