Hướng đến phát triển đô thị thông minh bền vững

(Xây dựng) – Phát triển đô thị thông minh cần phải được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Đến lúc cần phải có những quy chế, quy chuẩn đảm bảo các cấu phần đô thị thông minh kết nối với nhau thành một tổng thể bền vững.

huong den phat trien do thi thong minh ben vung
Phát triển đô thị thông minh với các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống (ảnh minh họa: Internet).

Định hướng phát triển đô thị thông minh đã được đề cập đến trong Nghị quyết số 05/NQ-TW (thông qua tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII). Sau đó hai năm, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 (gọi tắt là Đề án 950) để làm cơ sở thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị thông minh trên toàn quốc.

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách

Sau khi có Đề án 950, các mục tiêu, quan điểm về phát triển đô thị thông minh bền vững được chỉ rõ với trọng tâm là: Quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Đề án, đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, giới thiệu nội dung tại nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nghiên cứu, sửa đổi Luật Xây dựng 2014, trong đó có bổ sung quy định về việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh; quy định về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng đô thị thông minh.

Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cũng đã hoàn thiện việc xây dựng danh mục hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh. Đây chính là cơ sở để cụ thể hóa trong Đề án hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Đồng thời, cũng ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh” phục vụ mục tiêu thiết lập, duy trì và vận hành cơ sở dữ liệu trên nền GIS tại các đô thị.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ nghiên cứu “Tiêu chí đánh giá các đô thị thông minh tại Việt Nam” đã hoàn thành và đang tiếp tục dự thảo Hướng dẫn áp dụng Bộ Tiêu chí đô thị thông minh bền vững, trong đó sẽ có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình và phương pháp đánh giá.

Ngay trong năm 2022, Bộ Xây dựng cũng đang khẩn trương hoàn thiện các đề tài nghiên cứu làm cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị thông minh theo đúng tinh thần Đề án 950. Có thể kể đến một số đề tài nổi bật như: Quy chế quản lý đầu tư phát triển khu đô thị thông minh. Xây dựng cơ chế thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông dân cư, đất đai, giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng phát triển đô thị hướng đến phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm chương trình thí điểm phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long thông minh.

Hiện nay, một số địa phương đã đi đầu, chủ động ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Ninh…). Theo đó, các đề án đã đưa ra lộ trình ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường… nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng văn minh, hiện đại.

Triển khai rộng trên toàn quốc

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Về triển khai phát triển tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương (tăng 17 địa phương so với năm 2020) và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo. 19 tỉnh đang triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

huong den phat trien do thi thong minh ben vung
Xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam (ảnh minh họa: Internet).

Trong lĩnh vực quy hoạch thì việc công bố công khai, tra cứu thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển đô thị thông minh cũng được đẩy mạnh. Ứng dụng cơ sở dữ liệu đô thị trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị đã được áp dụng tại khoảng 43 thành phố, thị xã (trong số đó có 38 Sở Xây dựng các địa phương). Quá trình công bố công khai quy hoạch đang được thực hiện ở nhiều địa phương, các dữ liệu về quy hoạch đô thị đã cho phép người dân có thể truy cập và tra cứu thông tin nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí, đẩy mạnh tính minh bạch.

Theo ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện nay, việc đầu tư xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị, đa nhiệm (Trung tâm IOC) đã được triển khai tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô cấp tỉnh hoặc cấp đô thị, một số địa phương triển khai ở cả hai cấp.

“Có thể thấy Trung tâm IOC được thiết lập tại các địa phương là nơi tập trung hạ tầng công nghệ thông tin giúp thực hiện các chức năng chủ yếu như giám sát, điều hành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, phục vụ điều hành các dịch vụ hành chính công, an toàn giao thông, tiếp nhận xử lý phản ánh của người dân, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị ở nhiều lĩnh vực giúp phân tích dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định”, ông Thái chia sẻ thêm.

Đối với quản lý đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ quản lý cấp thoát nước, chiếu sáng đô thị, xử lý rác thải… đã được triển khai ở một số địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả khi giám sát được chất lượng môi trường theo thời gian thực giúp nhanh chóng hơn có biện pháp xử lý các tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Như tại thành phố Cần Thơ đã thí điểm hệ thống Giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường (01 trong 08 hệ thống thí điểm của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh), sử dụng các cảm biến IoT giúp tự động thu thập dữ liệu về nước, chất thải, không khí, đồng thời cho phép xây dựng các mô hình cảnh báo về chất lượng môi trường với độ chính xác cao.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá việc định hướng phát triển đô thị thông minh ứng dụng các giải pháp công nghệ và phương tiện tối ưu nhất sẽ khai thác các lợi thế mà khoa học đem lại để hỗ trợ việc ra quyết định trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị một cách thông minh và khoa học nhất… Nhờ đó, chúng ta có thể nâng cao hiệu quả của các khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, giải quyết được các vấn đề nóng của phát triển đô thị hiện nay như giao thông, ngập lụt, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng phục hồi của đô thị…

huong den phat trien do thi thong minh ben vung
Việc xây dựng các chính sách phát triển đô thị thông minh có ý nghĩa hết sức to lớn hướng đến nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị (ảnh minh họa).

Xây dựng đô thị thông minh một cách bài bản theo quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thông minh theo lộ trình, kế hoạch thì mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị; nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đầu năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam (Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022) được coi là cơ sở, căn cứ chính trị để thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm tiếp tục phát triển đô thị Việt Nam hiệu quả hơn, trong đó có định hướng phát triển đô thị thông minh góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững.

Các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất trong phát triển đô thị thông minh bao gồm 05 lĩnh vực: Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Giao thông thông minh; Dịch vụ công thông minh, Hành chính công và Chính quyền điện tử; Du lịch thông minh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích