Hướng đến mùa Trung thu ý nghĩa cho trẻ em
Nỗ lực xây dựng môi trường sống an toàn
Tại thị xã Sơn Tây, trẻ em đã được các cấp từ Thị xã tới cơ sở quan tâm một cách toàn diện, đảm bảo các em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh. Theo ghi nhận thực tế, mỗi dịp hè, các em thiếu nhi trên địa bàn thị xã lại được tham gia học các lớp kỹ năng do Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao tổ chức tại Nhà Thiếu nhi của thị xã. Cùng đó, Thư viện thị xã Sơn Tây cũng là điểm đến lý tưởng cho trẻ em bởi số lượng sách dành cho thiếu nhi hết sức phong phú.
Một buổi workshop làm đèn lồng thú vị dành cho trẻ em tại Làng cổ Đường Lâm ngày cuối tuần. Ảnh: Đinh Luyện |
Ông Vũ Đức Quân – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thị xã Sơn Tây cho biết: Mỗi dịp hè đến, Trung tâm luôn xác định công tác xây dựng môi trường sinh hoạt lành mạnh, an toàn cho trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tại khuôn viên Nhà thiếu nhi, bể bơi Thị xã… đều được Trung tâm xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động, lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống phù hợp, bài bản và hiệu quả. “Năm 2023 này chúng tôi có đội ngũ giáo viên phụ trách công tác đào tạo các lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống… đều hết sức nhiệt huyết. Những giáo viên tham gia đều có trình độ, giáo án cập nhật mới, phù hợp với trẻ. Trong dịp hè này, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm đến thư viện của Thị xã. Trong đó, chúng tôi cập nhật các đầu sách mới, đặc biệt là các chuyên trang về thiếu nhi để từ đó khơi gợi văn hóa đọc, thu hút trẻ em đến với Thư viện thị xã Sơn Tây” – ông Vũ Đức Quân chia sẻ.
Cùng với các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, hoạt động rèn kỹ năng bơi lội miễn phí cho trẻ em cũng là một trong những điểm sáng của thị xã Sơn Tây. Theo đó, tại Bể bơi Sơn Tây trẻ em được học bơi miễn phí, được rèn luyện các kỹ năng bơi, phòng chống tai nạn đuối nước… Cùng đó, Thị xã cũng yêu cầu các cấp, ngành trên địa bàn tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng chống, ứng phó trong hoàn cảnh bị đuối nước và cứu người bị đuối nước.
Thông tin về công tác này, ông Lê Đại Thăng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, đối với thị xã Sơn Tây, việc chăm lo cho trẻ em là một nhiệm vụ được thường xuyên quan tâm chú trọng; trong đó, Thị xã thường xuyên duy trì, kiện toàn Ban Chỉ đạo hè, Ban Chỉ đạo Vì trẻ em, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chăm sóc trẻ em; thường xuyên tập huấn công tác chuyên môn; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất từ Thị xã đến cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh…
“Để đảm bảo môi trường phát triển tốt cho trẻ, chúng tôi đã triển khai, hoàn thiện thiết chế cơ sở vật chất tốt từ Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thị xã Sơn Tây với các thiết chế như Nhà thi đấu, Nhà thiếu nhi, sân vận động, bể bơi… việc hoàn thiện từ Thị xã tới cơ sở đã tạo cho các em thiếu nhi môi trường vui chơi, hoạt động văn hóa thể thao lành mạnh” – ông Lê Đại Thăng nhấn mạnh.
Vun bồi văn hóa xứ Đoài
Văn hóa xứ Đoài vốn là niềm tự hào của người dân phía Tây Hà Nội. Ở xứ Đoài hiện có di tích Thành cổ Sơn Tây với niên đại ngoài 200 năm tuổi. Những sự kiện lớn của Thành cổ liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành là vùng “trọng địa” hậu cứ cho biên cương Tây Bắc. Với những giá trị độc đáo, năm 1994, Thành cổ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Không chỉ vậy, nhiều ý kiến cũng thống nhất rằng, ngoài Kinh thành Huế, Thành cổ Sơn Tây còn là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Hơn thế nữa, Thành cổ Sơn Tây có vị thế đặc biệt nằm trong khu vực trung tâm mà xung quanh có mật độ di tích lịch sử văn hóa đậm đặc nhất như Khu di tích Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Tây Đằng, chùa Mía… là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm hội tụ nổi bật nhất của văn hóa xứ Đoài.
Theo Quy hoạch chung về xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa – lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng. Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của Thị xã, nhằm khai thác và phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch. Thị xã đã đưa tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào khai thác, góp phần tạo ra một không gian giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh; thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương.
Đáng chú ý, để thế hệ trẻ thêm hiểu biết với những nét đặc trưng văn hóa xứ Đoài, đồng thời tạo dựng không gian phát triển lành mạnh cho thế hệ trẻ trên nền tảng di sản sẵn có, Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đã tổ chức nhiều hoạt động hướng trực tiếp tới thế hệ trẻ. Chương trình “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài” là ví dụ. Theo đó, năm 2022, thông qua hoạt động quanh phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây như: Liên hoan múa lân rồng, thi mô hình đèn Trung thu, thi trình bày, trang trí mâm cỗ Trung thu, trao tặng hàng chục suất quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã, mời nghệ sĩ hài Xuân Bắc giao lưu với khán giả…
Được biết, với Trung thu năm 2023, thị xã Sơn Tây đang xây dựng kế hoạch triển khai với chuỗi các hoạt động ý nghĩa và hấp dẫn. Trong đó, Thị xã vẫn xác định việc triển khai sẽ gắn với không gian Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và khôi phục lại những nét đẹp của Tết Trung thu cổ truyền dân tộc; tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho du khách, nhân dân Sơn Tây và các vùng lân cận.
Rõ ràng, bằng nhiều giải pháp triển khai sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, thị xã Sơn Tây đã tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, vui tươi, mới lạ, giúp nâng tầm và vun bồi các giá trị văn hóa xứ Đoài. Hơn hết, qua những hoạt động ý nghĩa này, thế hệ trẻ ở Sơn Tây được vun bồi nếp văn hóa, được phát triển toàn diện trong môi trường xã hội lành mạnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô