Hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang

Hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang

Ở Việt Nam, theo phong tục, tập quán phương Đông, nghĩa trang, an táng là một trong những vấn đề “tâm linh” nhạy cảm và rất phức tạp. Vấn đề nghĩa trang và an táng lại càng được người dân quan tâm hơn.

Với quan điểm “sống gửi, thác vĩnh hằng” đã ăn sâu trong nếp nghĩ của bao thế hệ, từ đời này đến đời khác, người dân Việt Nam rất coi trọng việc giữ gìn, bảo quản nơi yên nghỉ cuối cùng của tổ tiên, dòng họ.

Chính vì thế, tại nhiều địa phương, lâu nay phong trào xây lăng, mộ đã hình thành các nghĩa trang gia đình, nghĩa trang dòng họ… phát triển khá mạnh, rộng khắp, khó kiểm soát, gây nhiều trở ngại cho công tác quản lý nghĩa trang.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các vấn đề liên quan đến nghĩa trang, an táng ở Việt Nam chưa được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

Đặc biệt, chúng ta đang thiếu, những định hướng phát triển, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định pháp luật, các cơ chế chính sách quản lý, kiểm soát xây dựng… liên quan đến nghĩa trang, an táng.

Cấp bộ

Theo báo cáo đề tài hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia do Chủ nhiệm: PGS.TS. Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia; Phó chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, Nghĩa trang là một hạng mục hạ tầng xã hội cần thiết trong đời sống, đã có lịch sử ra đời và hình thành từ rất lâu. Ở Việt Nam, nơi nào có cộng đồng dân cư sinh sống tập trung thì nơi đó đều có sự hình thành các nghĩa trang.

Hiện nay, tổng diện tích đất nghĩa trang trên toàn quốc rất lớn nhưng lại phân bố không hợp lý tại các xã, nhiều xã có tới 7-10 nghĩa trang (xã Bảo Vinh – Đồng Nai có 10 nghĩa trang, huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc (Hải Dương), bình quân 1 xã có trên 8 nghĩa địa ), nhưng có nơi chỉ có 1 – 2 nghĩa trang với diện tích nhỏ, không đáp ứng được việc chôn cất tại địa phương, phải tiến hành mai táng tại nghĩa trang của xã khác.

Ngoài ra, tại nhiều đô thị, quá trình đô thị hóa phát triển, đã đẩy nhiều nghĩa trang vào sâu trong nội thị, như: Nghĩa trang tại bán đảo Linh Đàm (Hà Nội), Nghĩa trang Bảo Vinh (Đồng Nai), …. dẫn đến tình trạng làm giảm mỹ quan và ảnh hưởng xấu cho môi trường đô thị. Vấn đề lựa chọn vị trí nghĩa trang cho đô thị và điểm dân cư nông thôn là những bài toán khó đối với các cấp chính quyền địa phương….

Với hình thức táng thông dụng là địa táng như hiện nay, mỗi năm cả nước cũng cần một diện tích xấp xỉ gần 282 ha để xây dựng các khu chôn cất mới (tính theo tổng dân số hiện nay là 87 triệu người và tỷ lệ tử trung bình hàng năm là 40/00). Chưa kể các vấn đề về di dời, giải tỏa các nghĩa trang cũ trong quá trình phát triển đô thị và các vấn đề ô nhiễm môi trường do nghĩa trang địa táng gây ra, đây là một vấn đề cho các cơ quan quản lý Nhà cần sớm giải quyết.

Trong những năm qua, quản lý nghĩa trang và nhà tang lễ đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này thể hiện ở việc Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu một số đề tài, dự án và sự ra đời của một số các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý nghĩa trang và nhà tang lễ, như:

– Các nghiên cứu có liên quan đến quy hoạch quản lý hệ thống nghĩa trang và nhà tang lễ như:

1. Dự án: Điều tra đánh giá hiện trạng, đề xuất các tiêu chí QH chọn địa điểm, giải pháp công nghệ và tổ chức quản lý các khu nghĩa trang trong QHXD đô thị

2. Đề tài NCKH: “Nghiên cứu xây dựng dự thảo chiến lược quản lý nghĩa trang & an táng cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn Việt Nam đến năm 2020”

– Các văn bản pháp quy liên quan đến quy hoạch, quản lý hệ thống nghĩa trang và nhà tang lễ như:

1. Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.

2. QCXDVN 01:2008/BXD – Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng

3. QCVN 14: 2009/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia – Quy hoạch xây dựng nông thôn.

4. QCVN 07-10:2016/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia – Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị – Công trình nghĩa trang.

5. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7956-2008 – Tiêu chuẩn thiết kế nghĩa trang đô thị.

– Gần đây nhất là Dự thảo Nghị định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng để thay thế cho Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, dự kiến ban hành vào đầu năm 2016.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu nhiều hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định cho công tác quy hoạch hệ thống nghĩa trang. Vì vậy việc nghiên cứu xây dựng hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang là hoàn toàn cấp thiết cho giai đoạn hiện nay.

Giới thiệu chung

1. Mục tiêu, phạm vi, đối tượng của hướng dẫn

1.1. Mục tiêu

Hướng dẫn kỹ thuật quy hoạch xây dựng nghĩa trang áp dụng để quy hoạch xây dựng nghĩa trang mới; cải tạo và mở rộng nghĩa trang trên phạm vi toàn quốc.

1.2. Phạm vi hướng dẫn

Hướng dẫn này áp dụng để lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng cho một nghĩa trang trong đó có một hoặc nhiều loại hình táng (Hung táng; Cát táng và chôn cất 1 lần; Hỏa táng…)

Nghĩa trang liệt sỹ, công viên nghĩa trang và nghĩa trang có các yêu cầu đặc biệt không nằm trong phạm vi và đối tượng nghiên cứu của hướng dẫn này.

1.3. Đối tượng áp dụng

Đối tượng sử dụng Hướng dẫn này là các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan tư vấn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý nghĩa trang.

2. Mô tả tài liệu hướng dẫn

Hướng dẫn mô tả 7 bước của quy trình lập quy hoạch xây dựng nghĩa trang (minh hoạ ở Hình 1).

Các bước trong quá trình lập quy hoạch xây dựng nghĩa trang được tóm tắt như sau:

Bước 1 – Xác định ranh giới nghĩa trang, khảo sát và đánh giá hiện trạng khu đất quy hoạch xây dựng nghĩa trang.

Công việc chủ yếu ở bước này là:

  • Xác định ranh giới khu đất quy hoạch xây dựng nghĩa trang;
  • Xem xét, đánh giá hiện trạng khu vực quy hoạch xây dựng nghĩa trang;
  • Đánh giá hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, kinh tế xã hội và hạ tầng kỹ thuật, môi trường khu vực quy hoạch xây dựng nghĩa trang.

Bước 2 – Xác định các hình thức táng, quy mô, tính chất và các chỉ tiêu sử dụng đất.

Các nội dung cần thực hiện trong bước này bao gồm:

  • Xác định tính chất nghĩa trang
  • Lựa chọn hình thức táng
  • Dự báo quy mô nghĩa trang.

Bước 3 – Quy hoạch sử dụng đất và không gian kiến trúc cảnh quan

Các nội dung cần thực hiện trong bước này bao gồm:

  • Các yêu cầu về quy hoạch sử dụng đất và không gian kiến trúc cảnh quan
  • Quy hoạch các khu chức năng chính trong nghĩa trang.
  • Quy định về kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ; các yêu cầu đối với thiết kế công trình trong nghĩa trang;
Cấp bộ

Hình 1. Các bước thực hiện quy hoạch xây dựng nghĩa trang

Bước 4 – Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Các nội dung của bước này là xác định các yêu cầu và nội dung cụ thể khi quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong nghĩa trang như:

  • Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật
  • Quy hoạch hệ thống giao thông
  • Quy hoạch hệ thống cấp nước
  • Quy hoạch thoát nước
  • Qui hoạch xử lý chất thải rắn và khí thải
  • Quy hoạch hệ thống cấp điện
  • Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc

Bước 5. Đánh môi trường chiến lược.

Bước này hướng dẫn các nội dung cần thực hiện trong phần ĐMC, bao gồm:

  • Căn cứ pháp lý ĐMC trong quy hoạch xây dựng nghĩa trang
  • Quy trình thực hiện ĐMC cho quy hoạch xây dựng nghĩa trang;
  • Nội dung ĐMC cho quy hoạch xây dựng nghĩa trang;
  • Quy trình thẩm định ĐMC

Bước 6 – Tham vấn ý kiến cộng đồng.

Bước 7 – Chuẩn bị hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Bước này hướng dẫn các nội dung của hồ sơ quy hoạch xây dựng nghĩa trang và trình phê duyệt quy hoạch, bao gồm:

– Chuẩn bị Hồ sơ thuyết minh

– Chuẩn bị Hồ sơ bản vẽ

– Trình phê duyệt quy hoạch xây dựng nghĩa trang

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích