Hưng Yên: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp phát triển
Ngày 13/10, tại thành phố Hưng Yên, UBND tỉnh tổ chức hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp và kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp và kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (Ảnh:P.Đăng/HY) |
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên, nhờ vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự năng động trong công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chính quyền các cấp, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 14 nghìn doanh nghiệp được thành lập và hoạt động; hơn 2 nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước. Riêng 9 tháng năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 10,41% (kế hoạch năm 2022 tăng 7%). Cơ cấu kinh tế chủ yếu công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.800 triệu USD, tăng 21,5% so cùng kỳ năm 2021, đạt 85,7% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.830 triệu USD, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2021… Những thành tích đã đạt được là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, trước những biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua đã khẳng định khả năng chống đỡ và tính tự cường của các doanh nghiệp trong tỉnh, Hưng Yên đang đứng trước cơ hội lớn để đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, văn hiến, hiện đại, giàu đẹp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên (bên trái) trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Công ty Cổ phần Tiến Hưng. (Ảnh: P.Đ-HY) |
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đoàn kết, hợp tác, phát huy bản lĩnh, trí tuệ vượt qua mọi khó khăn; biến thách thức thành cơ hội, động lực phát triển. Không ngừng đổi mới, sáng tạo, thích ứng linh hoạt với điều kiện kinh doanh thay đổi nhanh với nhiều yếu tố khó lường; mở rộng quy mô hoạt động và đầu tư, kinh doanh an toàn, hiệu quả để tạo nhiều việc làm ổn định và đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, phải luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia, đóng góp xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, hành động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thường xuyên phản ánh, kiến nghị với chính quyền về những khó khăn, vướng mắc, bất cập và giải pháp xử lý về cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, chất lượng phục vụ, đạo đức, thái độ của cán bộ, công chức.
Đặc biệt, chính quyền các cấp cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân, chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng dịch vụ công; tạo môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch; thường xuyên lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại, trao đổi và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và xây dựng quan hệ đối tác bền vững, không ngừng củng cố niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp…
Nguồn: Báo lao động thủ đô