Hưng Yên: Phát hiện hàng loạt sản phẩm tẩy rửa giả, doanh nghiệp bị xử lý nghiêm

Trước đó, vào ngày 17/5/2024, Đội 3 – Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 5 (nay là Đội Quản lý thị trường cơ động) tiến hành kiểm tra đột xuất kho sản xuất và kho chứa hàng của Công ty H.V.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty đang tổ chức sản xuất trái phép các sản phẩm như nước giặt, nước xả vải, nước rửa chén mang nhãn hiệu D-nee, Hygiene và Tauau. Tang vật thu giữ gồm hàng trăm can hóa chất, máy móc, nhãn mác, tem giả và hàng nghìn bao bì in nhái theo mẫu thật.

Sau khi xác định có dấu hiệu hình sự, toàn bộ hồ sơ và tang vật đã được chuyển giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên. Đến ngày 24/9/2024, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Sản xuất hàng giả” theo khoản 3 Điều 192 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, tiến hành khởi tố bị can đối với ông L.N.T – Giám đốc Công ty H.V và ông N.V.L, trú tại tỉnh Hải Dương, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Số nguyên liệu dùng để sản xuất hàng giả được phát hiện tại Công ty H.V. Ảnh: Chi cục QLTT Hưng Yên 

Tuy nhiên, một số tang vật trong vụ việc chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự nên ngày 19/5/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển đề nghị sang Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên để xử lý hành chính theo quy định.

Kết quả xác minh cho thấy, ông L.N.T đã sử dụng kiến thức cá nhân để pha chế các loại hóa chất, sao chép nhãn mác, mẫu mã từ sản phẩm thật để sản xuất và đóng gói hàng loạt sản phẩm giả, đánh lừa người tiêu dùng. Tất cả đều được đóng gói kỹ lưỡng, in tem, mã số mã vạch như hàng thật, nhằm hợp thức hóa sản phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Sau quá trình xác minh, lập hồ sơ, ngày 16/6/2025, Đội Quản lý thị trường cơ động đã có tờ trình đề nghị Chi cục Quản lý thị trường xử lý vụ việc. Ngày 17/6, Chi cục tiếp tục trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt. Đến ngày 19/6/2025, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định số 1374/QĐ-XPHC, xử phạt Công ty H.V số tiền 180 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng giả. Đồng thời, toàn bộ tang vật buộc phải tiêu hủy theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Vụ việc một lần nữa cảnh báo về tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp và cần được tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường kinh doanh lành mạnh.

Liên quan tới tình trạng sản xuất nước giặt, nước xả, nước rửa chén, nước lau sàn, lau kính… giả mạo nhãn hiệu các chuyên gia lên tiếng cảnh báo hàng giả, hàng kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy – Giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sản phẩm chính hãng thường có giá thành cao hơn do doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ xử lý, loại bỏ tạp chất, đồng thời kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt trước khi tung ra thị trường. Trong khi đó, hàng giả không được kiểm soát chất lượng, không có công nghệ xử lý nên tiềm ẩn nguy cơ chứa tạp chất độc hại. “Có những loại tạp chất rất khó loại bỏ, phải dùng công nghệ cực kỳ đắt tiền. Hàng giả không có các công nghệ này nên khó tránh khỏi tồn dư hóa chất có hại cho sức khỏe người sử dụng.

Theo ông Huỳnh Khánh Duy, thành phần chính trong các sản phẩm tẩy rửa là các chất hoạt động bề mặt như alkyl ether sulfate, linear alkyl benzen sulfonic acid, sodium lauryl ether sulfate cùng các chất tạo mùi và màu. Vấn đề quan trọng là nồng độ và tỷ lệ sử dụng các chất này. Nếu pha trộn sai, không đúng tỷ lệ, sản phẩm dễ bị vón cục, kết tủa, ảnh hưởng hiệu quả làm sạch. Ngoài ra, hàng giả thường không có đủ các thành phần phụ trợ như hàng chính hãng, khiến chất lượng suy giảm nghiêm trọng.

Đặc biệt, TS Huỳnh Khánh Duy cảnh báo nếu sử dụng nguyên liệu trôi nổi để tạo mùi, sản phẩm có thể chứa hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) – nhóm chất độc hại có khả năng gây kích ứng da, gây hen suyễn, thậm chí đột biến gen, ung thư nếu tích tụ trong cơ thể. Một số sản phẩm còn có thể chứa chất tạo màu thuộc nhóm hợp chất azo, dễ biến đổi thành amine thơm – cũng là tác nhân gây ung thư khi xâm nhập vào cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm) cũng đồng tình và cho rằng, việc sản xuất, buôn bán các loại nước giặt, nước xả giả là hành vi đáng lên án. Ông cảnh báo, sử dụng sản phẩm kém chất lượng không chỉ gây kích ứng da, tổn thương hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh Thịnh nhấn mạnh: “Các sản phẩm không rõ nguồn gốc thường chưa qua kiểm định, có nguy cơ chứa chất tạo mùi độc hại. Người tiêu dùng nên ưu tiên chọn sản phẩm có thương hiệu, được bán tại các địa điểm uy tín như siêu thị lớn. Nếu thấy nước giặt có mùi hoặc màu sắc khác lạ, cần dừng sử dụng ngay, tuyệt đối không tiếc của vì rủi ro với sức khỏe là rất lớn”.

Do đó, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không nên sử dụng các sản phẩm tẩy rửa giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là những sản phẩm đóng can lớn, dán nhãn nhiều thương hiệu nhưng giá bán rẻ bất thường. Việc lựa chọn sản phẩm an toàn là yếu tố tiên quyết để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích