Hưng Yên: Ô nhiễm môi trường – thực trạng và giải pháp
Hưng Yên: Ô nhiễm môi trường – thực trạng và giải pháp
Ô nhiễm môi trường được định danh bởi các nguồn thải ra môi trường, bao gồm nước, rác, khói bụi… đây đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý môi trường không chỉ của tỉnh Hưng Yên.
Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên về các nguồn nước thải, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 214 nguồn xả thải chính từ các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, y tế, chăn nuôi, dân sinh… với tổng lưu lượng 163.512 m3/ngày đêm.
Trong đó lượng nước thải công nghiệp khoảng 56.865m3/ngày đêm (chiếm khoảng 35%), về cơ bản đã được kiểm soát thu gom, xử lý trước khi xả thải ra môi trường.
Tổng lượng nước thải còn lại khoảng 106.647m3/ngày đêm (chiếm 65%) gồm nước thải từ dân sinh, các hộ chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề, từi các cơ sở y tế công lập chưa được kiểm soát, không được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu thải trực tiếp vào các sông, kênh, mương.
Với đặc thù về địa lý, Hưng Yên còn phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm của thành phố Hà Nội từ sông Cầu Bây qua cống Xuân Thụy và sông Kiến Thành với lưu lượng khoảng trên 155.520m3/ngày đêm (ước tính từ năm 2020) và ngày càng gia tăng.
Cũng theo kết quả tổng hợp giám sát của Sở TN&MT Hưng yên thì nguồn nước bị ô nhiễm đầu nguồn hệ thống Bắc Hưng Hải từ tháng 1/2020 đến ngày 18/12/2021 có 137 đợt xả, tổng thời gian xả là 2.573 giờ, mực nước cao nhất tại cống Xuân Thụy khi xả vào từ đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải cao 3,91m và cứ sau 24 giờ sau khi mở cống Xuân Thụy, nguồn nước ô nhiễm đã chảy vào đến địa bàn huyện Ân Thi.
Còn với tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 787 tấn/ngày, trong đó lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý, điểm tập kết ước khoảng 620 tấn/ngày (khoảng 81%) và hiện hầu hết các bãi tập kết rác hợp vệ sinh đều đã quá tải, dự báo trong thời gian tới sẽ phát sinh thêm nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải.
Tình trạng rác thải không được vận chuyển, xử lý, đổ, đốt tại ven đường giao thông, các kênh mương, sông nội đồng… sẽ gây ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước mặt và tác động xấu đến cả nguồn nước ngầm, gây ách tắc dòng chảy, lảm mất mỹ quan, cảnh quan khu dân cư, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Thống kê đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh hiện có 297 điểm tồn đọng rác thải, tăng 133 điểm so với tháng 5/2021 với khối lượng khoảng 635.210,8 tấn, tăng 359.682 tấn so với tháng 5/2021.
Từ thực tế bất cập nêu trên, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và ngành môi trường tỉnh đã có chỉ đạo, đề ra các giải pháp cấp bách, kêu gọi đầu tư vào các khu xử lý chất thải tập trung, tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương, thủ tục, bàn giao mặt bằng các dự án cho nhà đầu tư, trong thời gian tới đây các dự án Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại huyện Phù Cừ và Khoái Châu đều có quy mô 200 tấn/ngày đêm, lò đốt tại Dị Sử, huyện Mỹ Hào công suất 100 tấn/ngày đêm.
Đặc biệt khu xử lý rác Vũ Xá huyện Kim Động, khu xử lý chất thải Lý Thường Kiệt, Yên Mỹ được quy hoạch theo Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 1/2/2013 của UBND tỉnh Hưng Yên để xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, kết hợp sản xuất phân bón, vật liệu xây dựng, có công suất từ 300 tấn rác/ngày đêm sẽ sớm đi vào hoạt động.
Đồng thời, giải pháp cấp bách hiện nay được ngành môi trường tỉnh Hưng yên chú trọng. đó là tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục gắn với giao nhiệm vụ để tăng số hộ phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình để giảm thiểu việc vận chuyển xử lý.
Nâng cao hiệu quả các bãi rác,điểm tập kết, kết hợp với tìm, lựa chọn các điểm lưu chứa tạm thời, có biện pháp tránh phát tán mùi, phát tán nước rỉ rác ra ngoài môi trường.
Đề cập giải pháp lâu dài trong thời gian tới, lãnh đạo Sở TN&MT Hưng Yên cho biết sẽ triển khai thực hiện thu phí theo giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng từ năm 2025, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khuyến khích giảm phát thải, tái chế, tái xử dụng, phân loại, xử lý tại nguồn, xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải, thực thi chế tài xử lý các hành vi xả thải vi phạm quy định của cá nhân, hộ gia đình được hiệu quả. Đặc biệt chào đón, tiếp nhận công nghệ xử lý rác thải có thu hồi nhiệt và phát điện.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị