Hưng Yên: Hướng tới thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa

(Xây dựng) – Chiều 7/7, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Hưng Yên: Hướng tới thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao bản Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.

Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên cho biết, ngày 10/6/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký, ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế – xã hội dài hạn cho địa phương.

Quy hoạch giúp tỉnh Hưng Yên nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa khát vọng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đồng thời thông tin, giới thiệu về định hướng, cơ hội đầu tư và các danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh. Qua đó, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng chiến lược trong nước và quốc tế quan tâm, đầu tư vào tỉnh.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa; là nơi đáng sống của vùng Đồng bằng sông Hồng; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Các hoạt động kinh tế – xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đại phát thải ròng bằng 0.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu ra một số nhiệm vụ trong tâm như: Cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả; đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là FDI; phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường; cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái, sản xuất chuyên canh quy mô lớn; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp…

Ba đột phát chiến lược là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa giáo dục, y tế, năng lượng, viễn thông… Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kết hợp giữa đào tạo và thu hút lao động chất lượng, phát huy bản sắc văn hóa con người Hưng Yên “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số gắn với thu hút các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo. Đồng thời, quy hoạch đã định hình tổ chức không gian kinh tế – xã hội Hưng Yên theo mô hình mạng lưới, đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển, gồm 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục và 3 trung tâm.

Hưng Yên: Hướng tới thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định quy hoạch đã thể hiện khát vọng, góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Hưng Yên cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đối tác liên quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, kết hợp công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn chiến lược, cách làm bài bản, khoa học và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá Hưng Yên có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá, “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Hưng Yên là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là quê hương của danh y Lê Hữu Trác, thân mẫu Bác Hồ kính yêu, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng cùng với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn lực con người, truyền thống văn hóa lịch sử, Hưng Yên cần phát huy hơn nữa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, với tầm nhìn cao hơn, xa hơn, rộng hơn. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức; xác định tầm nhìn, chiến lược phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đạt được những thành tựu quan trọng, có bước phát triển vượt bậc về kinh tế – xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hưng Yên đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào phát triển chung của cả nước; đồng thời nhấn mạnh cần cảm ơn, tri ân các thế hệ đi trước về những thành quả, bài học kinh nghiệm để lại cho hôm nay.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện” của Hưng Yên trong triển khai 3 tuyến đường quan trọng, huyết mạch theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, củng cố niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân, các nhà đầu tư với Hưng Yên.

Hưng Yên: Hướng tới thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa
Quang cảnh Hội nghị.

Theo Thủ tướng Chính phủ, về vị trí địa lý, “Hưng Yên có nhiều nơi gần Hà Nội hơn cả Hà Nội”, nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, song để phát huy được lợi thế này, cần có 3 tuyến đường huyết mạch để “kéo” Hưng Yên gần hơn với Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn, các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, tuyến đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vừa được khánh thành, tuyến đường Tân Phúc – Võng Phan vừa được khởi công và tuyến đường kết nối di sản sông Hồng có thể khởi công trong cuối năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống, văn hóa, lịch sử, vừa mang tính kế thừa và phát triển. Quy hoạch đã cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện khát vọng và qua đó góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu phát triển Hưng Yên giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Để tỉnh đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần làm nên “kỳ tích sông Hồng”, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hưng Yên cần thực hiện tốt phương châm: “1 tập trung, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh”. Trong đó, “1 tập trung” là: Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…).

“2 tăng cường” là: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, chuỗi sản xuất và cung ứng…

“3 đẩy mạnh” là: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất – cung ứng, nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Để hỗ trợ Hưng Yên tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành Trung ương luôn đồng hành, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của Hưng Yên, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Hưng Yên, đề nghị hoạt động, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động; chú trọng góp ý hoàn thiện chính sách, đào tạo nhân lực, hỗ trợ nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “chia sẻ tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển” giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng anh hùng, với đà phát triển mạnh trong những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích