Hưng Yên: Hợp tác xã điểm của tỉnh về sản xuất rau, củ, quả sạch
Hưng Yên: Hợp tác xã điểm của tỉnh về sản xuất rau, củ, quả sạch
“Thủ lĩnh” HTX rau củ quả an toàn Văn Giang từng là một cô giáo, có 4 năm đứng trên bục giảng cấp tiểu học. Tuy nhiên, trước những áp lực kinh tế, chị Lý Thị Hà phải xa mái trường thân yêu để khởi nghiệp, thoát nghèo cho bản thân và hàng chục hộ gia đình
Bài toán chị đặt ra là làm sao tiêu thụ được sản phẩm sau thu hoạch cho bà con nông dân có hiệu quả nhất, cả về giá và chất lượng?.
Cuối năm 2015, Hội chợ triển lãm hàng nông sản, thực phẩm diễn ra tại KĐT Ecopark, huyện Văn Giang, chị Hà chở hàng trăm túi quà, có ổi, cam và một tấm các mang tên “Nhà vườn Thu Hà” tặng du khách , sau hội chợ, có 30 khách hàng “ruột” đến từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội… đặt mua nông sản sạch của chị.
Đến thăm “vườn” của HTX Thu Hà, gần 50ha với 24 “tiểu vườn” của 24 hộ gia đình liên kết, trồng đại trà cam, ổi, hồng xiêm, một màu xanh trải dài mát mắt của lá và quả trĩu cành,các loại trái đang cho quả óng mượt, báo hiệu một mùa bội thu. Được biết tất cả sinh phẩm trừ sâu, phân bón sinh học hữu cơ, cũng như công tác thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra được ” thủ lĩnh” Lý Thị Hà đảm trách, nên người lao động rất yên tâm tập trung vào việc chăm sóc diện tích trồng cây của mình.
Chúng tôi được biết cho đến nay, mỗi năm chị Hà bao tiêu sản phẩm các loại quả sạch cho hộ gia đình xã viên của HTX với số lượng lên đến hàng ngàn tấn. Một con đường cấp phối xe 7-10 tấn có thể ra vào, chạy dọc “vườn”, các con đường đổ bê tông xương cá vào các “tiểu vườn” mỗi hộ lại được chia ra nhiều lô thoát nước, chủ động việc tưới và tiêu thoát nước.
Ông Nguyễn Văn Tiến giới thiệu với chúng tôi về quy trình chống ngập bằng cách vận hành máy bơm công suất lớn, mỗi giờ có thể bơm thoát hàng trăm m3 nước, ông cho biết mỗi hộ gia đình đều có một bể đất đào có thể chứa hàng ngàn m3 nước mưa và nước giếng khoan, chủ động cho hệ thống tưới tự động, hẹn giờ trên 100% diện tích canh tác.
Ông Phạm Đình Bảng là hộ “tiểu vườn” cho biết, việc chăm sóc cây chỉ vất vả những ngày đầu, bây giờ ông không cần phải thuê người làm, ngoài việc phun thuốc bón phân vợ chồng ông tự làm, thì ông chỉ ngồi nhà bật cầu dao phun tưới tự động toàn bộ 1ha trồng cam và ổi của gia đình mình.
Theo ông Tô Văn Oánh, hộ gia đình có 4 mẫu trồng cam, ổi và hồng xiêm cho biết, trừ chi phí mỗi năm ông có thu nhập khoảng 500 triệu đồng, yên tâm sản xuất không lo chạy chợ bán lẻ như trước kia.
Trẻ con chạy chơi quanh vườn, tắm và câu cá ngay cạnh gian tiếp khách của gia đình ông Oánh, ông cho biết mỗi năm hệ thống kênh mương của gia đình còn cho thu hoạch nhiều tấn cá sạch cung cấp ra thị trường.
Khi chúng tôi về xã Liên Nghĩa thuộc huyện Văn Giang, hỏi thăm đường đến HTX Thu Hà, hầu như ai cũng biết và chỉ đường cho chúng tôi với cách gọi trìu mến: Nữ nông dân, “kiện tướng” bán buôn trong “làng nông sản sạch” điểm, điển hình của tỉnh Hưng Yên chúng tôi.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị