Hưng Yên: Gỡ khó trong phát triển nhà ở xã hội
(Xây dựng) – Thời gian qua, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là rất lớn trong khi nguồn cung lại thiếu trầm trọng. Giải pháp nào để tạo quỹ nhà ở đáp ứng yêu cầu của người thu nhập thấp là câu hỏi khó đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của tỉnh Hưng Yên.
Một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hưng Yên. |
Nhu cầu lớn
Mặc dù, tỉnh Hưng Yên đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp nhưng đây vẫn là lĩnh vực chưa hấp dẫn các nhà đầu tư khiến nguồn cung căn hộ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn tỉnh Hưng Yên, nhiều lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh mong muốn được sở hữu một căn nhà để “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, do số lượng nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn ít nên phần lớn những người có mức sống trung bình hoặc thấp vẫn chưa có nơi chốn đi về, phải thuê nhà trọ sống tạm bợ qua ngày.
Cả tỉnh Hưng Yên hiện mới có 3 dự án nhà ở xã hội độc lập, 7 dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân đã hoặc đang triển khai, tổng diện tích sử dụng đất hơn 48ha với hơn 47.000 căn hộ. Hiện nay, có 4 dự án đã hoàn thành, hoàn thành một phần với hơn 17.000 căn hộ, gần 100.000m2 diện tích sàn.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, tổng diện tích đất phục vụ sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên lên tới gần 6.000ha, tạo việc làm cho trên 450.000 công nhân, người lao động. Dự báo, số công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ lệ khoảng 25% – một con số rất lớn.
Khó phát triển
Những năm qua, công tác triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện, một số dự án chậm triển khai do nhà đầu tư thiếu năng lực.
Nguyên nhân được UBND tỉnh Hưng Yên chỉ rõ là hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ; cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư; trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư còn phức tạp, kéo dài. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, chưa tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc thu hồi, bồi thường hỗ trợ mặt bằng để thực hiện dự án.
Các nhà đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng hỗ trợ của ngân hàng, trong khi dự án nhà ở xã hội cần nguồn vốn đầu tư lớn, lợi nhuận định mức thấp hơn các loại hình đầu tư khác. Một số chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, chưa tích cực, chủ động đẩy nhanh tiến độ dự án, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp không có quỹ đất sạch đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật và còn thiếu vốn nên hạn chế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, chỉ hỗ trợ một phần tiền thuê nhà cho công nhân thuê trọ. Thủ tục để được mua, thuê nhà ở xã hội vẫn còn khắt khe, rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho công nhân. Nhu cầu thuê lớn hơn nhu cầu mua nhà ở, thu nhập của công nhân còn thấp, khả năng mua nhà ở rất khó khăn trong khi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng hỗ trợ của ngân hàng. Chưa có sự kiểm soát, hỗ trợ người dân xây dựng nhà trọ cho thuê; chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển loại hình này.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Ngày 8/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ngày 9/9/2022, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch hành động số 152/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch của UBND tỉnh Hưng Yên xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ bảo đảm giải quyết được khoảng 50% số công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung có nhà ở, gồm 17.000 căn hộ với tổng diện tích 1.062.000m2; đến năm 2030, công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở đạt 85% với 45.700 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 2.861.500m2.
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trong đó tập trung rà soát, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; xây dựng, thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi và thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động; ưu tiên, hỗ trợ về thủ tục đầu tư xây dựng đối với những doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp sử dụng nhiều lao động đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong các dự án khu nhà ở công nhân đã được đầu tư hạ tầng; doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê nhà ở với chủ đầu tư dự án khu nhà ở cho công nhân của doanh nghiệp.
UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất cần thống nhất giữa các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; cho phép chỉ định nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đầu tư dự án nhà ở công nhân. Nghiên cứu xây dựng cơ chế riêng cho phát triển nhà ở công nhân; thành lập tổ chức nhà nước phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tập trung vào phân khúc cho thuê, thuê mua; cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho doanh nghiệp sử dụng lao động thuê/mua nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho người lao động. Cho phép các địa phương chủ động quy hoạch bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội ở các đô thị, không bắt buộc tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội…
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên ngày 02/6/2022, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người lao động. Trong bối cảnh ngày càng gia tăng dân số cơ học, nhất là lượng công nhân trong các khu, cụm công nghiệp thì đây là thách thức to lớn, là nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, quyết liệt hơn nữa của tỉnh Hưng Yên.
Hưng Yên cần rà soát lại quy hoạch xây dựng gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong đó có danh mục các dự án nhà ở. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để phê duyệt các dự án nhà ở trên địa bàn. Rà soát thêm, đánh giá kỹ hơn nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để có chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp, đáp ứng nhu cầu đặt ra. Xác định quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật như các dự án thành phần trong các khu đô thị, khu dân cư mới, khu công nghiệp hoặc dự án độc lập.
Đồng thời, Hưng Yên cũng phải xác định các mô hình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để có chính sách khuyến khích các mô hình, dự án chất lượng, phù hợp thực tiễn địa phương; chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến thủ tục giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, kiểm soát chất lượng công trình, xác định đối tượng thụ hưởng, cơ chế bố trí vốn… để các bộ, ban, ngành Trung ương tìm hướng tháo gỡ.
Nguồn: Báo xây dựng