Hưng Yên: Dự án V-Green City “ngập lụt” sai phạm?
(Xây dựng) – Tại Dự án V-Green City, hàng nghìn lô đất đã được bán, hàng trăm căn nhà đã được xây dựng, thanh tra tỉnh Hưng Yên đã chỉ ra hàng loạt sai phạm như chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, chưa đủ điều kiện thẩm định cơ sở hạ tầng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được phép bán. Ngoài ra, việc chủ đầu tư bán “lúa non” đã tạo ra rào cản lớn cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh sau này.
Hàng loạt sai phạm tại dự án V-Green City, tới đây tỉnh Hưng Yên sẽ làm gì để bảo vệ lợi ích của người dân và Nhà nước? |
Qua tìm hiểu được biết, năm 2004, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam quốc lộ 5 thuộc địa bàn xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ và phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào.
Năm 2005, tỉnh Hưng Yên phê duyệt giá đất và mức thu tiền sử dụng đất khi giao đất cho Công ty Du lịch và Thương mại Tổng hợp Thăng Long, sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long (gọi tắt là Công ty Cổ phần Thăng Long) với số tiền sử dụng đất hơn 173 tỷ đồng. Từ đó, Công ty Cổ phần Thăng Long đã thành lập Dự án Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam quốc lộ 5 lấy tên thương mại là V-Green City (tên gọi khác là New City Phố Nối).
Phát lộ hàng loạt sai phạm
Để được giao hơn 100ha đất xây dựng khu đô thị, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho Công ty Thăng Long xây dựng tuyến đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 100 tỷ đồng (chiều dài tuyến đường khoảng 6km – PV). Sau khi tuyến đường này được xây dựng xong, tỉnh Hưng Yên sẽ quyết toán và đối trừ vào tiền sử dụng đất tại khu đất hơn 100ha đã giao cho công ty này. Phần tiền sử dụng đất còn dư sau đối trừ, tỉnh Hưng Yên sẽ sử dụng để đầu tư xây dựng tuyến đường trục trung tâm huyện Yên Mỹ kéo dài lên xã Giai Phạm.
Ngày 26/4/2012, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức giao hơn 100ha đất trên thực địa tại xã Liêu Xá (Yên Mỹ) và xã Dị Sử (Mỹ Hào) cho Công ty Thăng Long để thực hiện dự án.
Sau hơn 16 năm đã trôi qua, nhưng tuyến đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5 mới được chủ đầu tư xây dựng được khoảng 2km, đoạn chạy qua dự án. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng trong dự án vẫn chưa hoàn thiện và chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu.
“Hệ thống môi giới bất động sản” được hình thành ngay tại dự án V-Green City mặc dù chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. |
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại dự án, hàng nghìn lô đất đã được bán, hơn 200 căn nhà kiên cố, biệt thự, lâu đài nguy nga đã được xây dựng. Dự án được chia thành khu A và khu B, khu A cơ bản xong cơ sở hạ tầng, người dân xây nhà, làm kho xưởng tương đối đông, còn khu B vẫn chưa xong cơ sở hạ tầng, đường, điện, nước chưa được đấu nối.
Nhiều hộ dân sinh sống nơi đây phản ánh quyền lợi của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng trăm hộ dân đã mua đất, xây nhà tại đây nhưng do dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nên việc giao dịch mua bán, cầm cố, thế chấp không thế thực hiện được.
Tuy vậy, giá đất ở đây lại liên tục tăng lên đáng kể, tại dự án hình thành nên 1 “hệ thống môi giới bất động sản”. Giá mỗi lô đất 100m2 khoảng từ 1,5-1,7 tỷ đồng. Theo môi giới bất động sản tại khu vực, toàn bộ khu A và khu B đã được bán hết, bây giờ nếu muốn mua thì chỉ mua lại. Tuy nhiên, toàn bộ dự án này chưa có sổ đỏ, tại khu A thì người dân đã xây dựng hơn 200 căn nhà, còn tại khu B thì chưa được xây dựng do chưa xong cơ sở hạ tầng, chưa có điện.
Hạ tầng như “giăng bẫy” người dân, khiến cư dân tại dự án cảm thấy bất bình? |
Có dư luận cho rằng, dự án V-Green City chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng vẫn được rao bán rầm rộ. Theo đó, Công ty Cổ phần Thăng Long mới quyết toán hơn 30 tỷ đồng đối với phần thực hiện xây dựng 2km đường chạy qua dự án. Đến nay, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên vẫn chưa giao đất.
Theo nguồn tin riêng của Báo điện tử Xây dựng (vị lãnh đạo cấp Sở xin được giấu tên): Dự án này theo cơ chế BT, chủ đầu tư đã làm được 2 km đường, số còn lại do vướng không giải phóng được mặt bằng nên tỉnh không bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư làm hạ tầng. Mặt khác, do dự án được triển khai từ những năm 2004-2005 nên dự án được giao đất theo giá tại thời điểm đó, đến nay dự án không hoàn thiện được hạ tầng như kế hoạch nên phải tính lại giá đất. Song, vướng ở chỗ theo cơ chế thì phải tính lại giá đất tại thời điểm này, tuy nhiên chủ đầu tư không chịu vì họ đã triển khai xây dựng hạ tầng từ trước nên họ yêu cầu phải tính giá đất theo thời điểm trước kia.
Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu dự án được giao cho 1 doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt thì có thể mọi thứ dễ dàng hơn, song với các doanh nghiệp tài chính không tốt, họ cứ bán “lúa non” để lấy tiền đầu tư theo kiểu “mỡ nó rán nó” dẫn tới hệ lụy sau này rất khó xử lý.
Vì vậy, cách giải quyết vấn đề này chính là phải tính lại giá đất để đối trừ phần 2km đường (khoảng 30 tỷ – PV) đã làm để tính toán diện tích đất giao cho phù hợp – vị lãnh đạo này chia sẻ thêm.
Bán đất ngoài phạm vi được giao?
Song, trên thực tế theo thông tin phóng viên tìm hiểu được từ nhiều nguồn khác nhau thì chủ đầu tư đã bán hơn 2.000 lô đất dưới hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trước những dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Thăng Long, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã vào cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước đối với dự án này.
Nhiều nhà xưởng, nhà kho mọc lên trong khuân viên đất dự án liệu có đúng quy định của pháp luật? |
Qua đó phát hiện ra chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến thời điểm thanh tra đã xây dựng 213 căn nhà. Đối với việc phân lô bán nền, tính đến thời điểm ngày 31/8/2020, chủ đầu tư đã phân thành diện tích đất chung cư là gần 15 nghìn m2; diện tích phân lô là hơn 379 nghìn m2, tương ứng với 2.876 lô đất. Công ty đã ký hợp đồng nhận góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để được nhận quyền sử dụng đất là gần 300 nghìn m2, bằng 2.312 lô đất. Số diện tích còn lại chưa giao dịch là hơn 104 nghìn m2 gồm diện tích đất chung cư và 564 lô.
Trong quá trình thanh tra, chủ đầu tư có văn bản gửi Đoàn thanh tra trình bày về việc đề xuất với UBND tỉnh tính toán giá trị tiền sử dụng đất của dự án còn lại sau khi đối trừ giá trị đầu tư dự án đường trục trung tâm khu đô thị phía Nam quốc lộ 5.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế diện tích đất mà Công ty ký hợp đồng với khách hàng nhận góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để được nhận quyền sử dụng đất đã vượt quá diện tích đất được thanh toán hoàn trả thi công dự án đầu tư xây dựng đường trục trung tâm khu đô thị phía Nam quốc lộ 5, tỉnh Hưng Yên.
Thanh tra tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long dừng ngay việc ký các hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích hơn 104 nghìn m2 là đất nhà ở thương mại, nhà ở xã hội còn lại mà chủ đầu tư vẫn chưa giao dịch, nhằm đảm bảo quy định và tránh các hệ lụy khác xảy ra cho đến khi được giao đất theo quy định của pháp luật.
Những lâu đài, biệt thự, nhà liền kề mọc lên từ dự án V-Green City. |
Như vậy, với hàng loạt vi phạm của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long, hàng trăm người dân đã bỏ tiền mua bất động sản tại dự án V-Green City đã và đang bị ảnh hưởng. Việc chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý và hạ tầng cam kết đã khiến dư luận hết sức bất bình, nhiều câu hỏi được người dân trên địa bàn đặt ra như: Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những sai phạm của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long? Chủ đầu tư mới thực hiện được khoảng 2 km đường, nhưng đã được giao hơn 100ha đất, đã phân lô bán nền thu về hàng trăm tỷ đồng thì lợi ích thực sự rơi vào túi ai? Quyền lợi của hàng trăm hộ dân đã mua đất, xây nhà tại đây sẽ ra sao?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin./.
Nguồn: Báo xây dựng