Hưng Yên: Các xã Nông thôn mới kiểu mẫu phải có công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt
(Xây dựng) – UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Đề án “Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đề án hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải, các sông, kênh, mương, ao, hồ trên địa bàn tỉnh (ảnh minh họa). |
Đề án đưa ra mục tiêu chung là giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, tạo cảnh quan môi trường sống xanh – sạch – đẹp, bảo vệ sức khỏe của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững và xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Cải thiện chất lượng nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải, các sông, kênh, mương, ao, hồ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu về cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Về mục tiêu cụ thể, đề án nêu rõ: Đến năm 2030 phấn đấu có 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; đến năm 2045 có 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, trong đó 30% nước thải sinh hoạt được xử lý.
Theo đề án của UBND tỉnh Hưng Yên, việc quản lý, xử lý nước thải phát sinh từ khu dân cư nông thôn nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng nước mặt phục vụ việc lấy nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Thu gom, xử lý nước thải là trách nhiệm của toàn xã hội; nguồn lực đầu tư xây lắp, vận hành công trình xử lý nước thải dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, theo đó các tổ chức, cá nhân phát sinh nước thải phải có trách nhiệm đầu tư xây lắp, vận hành công trình xử lý nước thải; có trách nhiệm chi trả kinh phí, khắc phục, bồi thường thiệt hại nếu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường theo quy định của pháp luật; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước; Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý nước thải.
Thu gom, xử lý nước thải trong khu dân cư nông thôn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của địa phương; công nghệ xử lý áp dụng tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, chi phí đầu tư, vận hành; tái sử dụng nước thải sau xử lý, tiết kiệm tài nguyên nước và thu gom, xử lý, tái sử dụng bùn thải từ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.
Huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý vận hành và bảo vệ công trình thu gom và xử lý nước thải theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Xử lý nước thải nông thôn tiến hành song song với thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới để bảo đảm đạt tiêu chí về môi trường.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các dự án đầu tư khu dân cư, các khu dân cư mới phải đầu tư hệ thống thoát nước mưa tách riêng thoát nước thải và xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung. Các xã Nông thôn mới kiểu mẫu phải có công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt.
Đầu tư công trình tại những nơi đã có vị trí phù hợp quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm thu gom được nước thải và có hệ thống cấp nước sạch tập trung. Khuyến khích, ưu tiên, hỗ trợ, đẩy mạnh các đơn vị tư nhân đầu tư xây dựng, vận hành công trình xử lý nước thải sinh hoạt gắn với hoạt động cấp nước sạch tập trung.
Nước thải sinh hoạt từ các tổ chức, hộ gia đình trong khu dân cư tập trung không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Các tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung phải được thu gom, xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Duy trì, vận hành tốt các mô hình công trình thu gom, xử lý nước thải quy mô hộ, cụm hộ gia đình đã đầu tư.
UBND tỉnh Hưng Yên đã đề ra một số giải pháp để thực hiện, trong đó quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp để thực hiện các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn; quy hoạch chi tiết việc tiêu thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư nông thôn, những khu dân cư mới bắt buộc phải đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, tách riêng nước mưa, nước thải.
Tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nội dung của đề án; lồng ghép vào nội dung tuyên tuyền về môi trường do các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hàng năm; xây dựng và ban hành tài liệu để phổ biến áp dụng; tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nhân dân, đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, tận dụng nước thải sau xử lý để tưới cây, hạn chế xả ra môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ao, hồ, kênh, mương; xây dựng và tuyên truyền nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý nước thải đạt hiệu quả; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mô hình thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình…
Nguồn: Báo xây dựng