Hùng vĩ Kỳ Sơn

Đất – Trời tươi xanh, hùng vĩ

Huyện Kỳ Sơn nằm cách thành phố Vinh 250 km, có 98% diện tích tự nhiên là đồi núi với đường biên giới dài 203,409 km. Huyện tiếp giáp với các huyện Noọng Hét, Mường Mọc (tỉnh Xiêng Khoảng) và huyện Mường Quắn (tỉnh Hủa Phăn) của nước bạn Lào; có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và nhiều lối mở qua biên giới.

Hùng vĩ Kỳ Sơn
Huyện Kỳ Sơn giữ được vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, giàu bản sắc.

Không chỉ có thế mạnh về tự nhiên, với 5 hệ đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống từ lâu đời, người dân Kỳ Sơn còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa, lịch sử đặc sắc. Chính vì vậy, trong những năm qua, nhiều du khách đã đến để tham quan, khám phá những giá trị không thể trộn lẫn của vùng đất nơi địa đầu biên cương xứ Nghệ này. Các địa danh được nhắc nhiều nhất khi về với Kỳ Sơn là cổng trời Mường Lống, đỉnh Puxailaileng, Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, tháp cổ Yên Hoà, rừng Pơmu ở Tây Sơn, Huồi Tụ…

Có lẽ địa danh được nhắc đến đầu tiên khi đến với Kỳ Sơn là xã Mường Lống, nơi được mệnh danh là “Sa Pa, Đà Lạt của Xứ Nghệ”. Cách thị trấn Mường Xén khoảng 40km, Mường Lống nằm trong một thung lũng có độ cao gần 1500 m so với mặt nước biển. Những cung đường uốn lượn, những khúc cua tay áo, một bên là vực sâu hiểm trở nơi cổng trời luôn là niềm đam mê của những “phượt thủ” khi đến Mường Lống để khám phá.

Cổng trời Mường Lống – nơi gặp gỡ giữa đất và trời sở hữu một vẻ đẹp vô cùng lãng mạn, huyền ảo. Sau những cơn mưa, thung lũng Mường Lống trở thành một biển mây bồng bềnh trắng xoá như chốn Bồng Lai tiên cảnh. Mây trắng quyện cùng sắc hoa mận, hoa đào tạo nên một không gian ảo diệu nhưng cũng rất đỗi yên bình, thơ mộng. Đến Mường Lống, du khách có thể chụp được những bức ảnh độc đáo, đầy chất nghệ thuật.

Mường Lống không chỉ đẹp về cảnh sắc, con người nơi đây cũng rất đỗi thân thiện. Những người Mông trong bộ đồ sặc sỡ luôn vui vẻ trò chuyện, trả lời các câu hỏi của du khách về văn hóa, lịch sử, cây trồng, vật nuôi. Họ sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn du khách khám phá mảnh đất này.

Khi đến thăm Mường Lống, du khách có thể thưởng thức những đặc sản tuyệt ngon như: xôi ép, cơm lam, gà nướng, bò giàng, măng núi, lợn đen và rượu ngô. Rau củ Mường Lống mùa nào thứ đó, xanh tươi và ngọt lịm nhờ khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng cùng bàn tay người cần mẫn chăm bẵm.

Từ thị trấn Mường Xén, men theo Quốc lộ 7 chừng 25km du khách sẽ đến Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Nơi đây vào Chủ nhật hằng tuần sẽ diễn ra một phiên chợ sôi động và độc đáo. Chợ biên Việt – Lào được tổ chức ngay gần cửa khẩu, trước đây mỗi tháng chợ được tổ chức 2 ngày (14 và 29 âm lịch). Tuy nhiên, do nhu cầu người dân ngày càng tăng cao, chính quyền 2 nước Việt – Lào đã quyết định mở chợ vào Chủ nhật của mỗi tuần. Tại chợ phiên, du khách có thể trải nghiệm mua sắm các món ăn đặc sản, các loại hàng hoá, đồ dùng do đồng bào dân tộc 2 nước Việt, Lào tự tay làm ra.

Một địa danh nữa không thể không nhắc đến khi về Kỳ Sơn, đấy là đỉnh Puxailaileng – đỉnh núi cao 2.720m thuộc địa bàn xã biên giới Na Ngoi. Từ trung tâm xã Na Ngoi, du khách đi xe ô tô bán tải khoảng 15 km đến Trạm Biên phòng Buộc Mú (thuộc Đồn Biên phòng Na Ngoi), từ đây, bắt đầu hành trình leo núi, chinh phục đỉnh Puxailaileng bằng cách đi bộ theo đường tuần tra biên giới. Vào mùa thu và mùa đông, trên đỉnh Puxailailengnổi lên những thảm mây bồng bềnh, hư ảo, vào mùa hè, thời tiết nơi đây vô cùng mát mẻ.

Về Kỳ Sơn, du khách không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, thơ mộng mà còn có thể hòa mình vào các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Kỳ Sơn có 5 hệ dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Khơ mú, Kinh và Hoa. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng, nếu người Mông có lễ hội chọi bò, chọi trâu, ném pao, hát cự xia… cùng trang phục sặc sỡ và tiếng khèn réo rắt thì người Thái với những nếp nhà sàn cổ kính, lễ hội Khàu Búa Sa, lễ mừng lúa mới… bên chén rượu cần với những điệu lăm vông, khắc luống mời gọi đầy hấp dẫn.

Đẩy mạnh khai thác du lịch

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ, huyện đang trong quá trình thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Từ các hoạt động du lịch, huyện đang kỳ vọng sẽ là động lực để bà con miền biên viễn thay đổi nhận thức, suy nghĩ, tập quán làm kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, từng bước ổn định cuộc sống.

Kỳ Sơn có nền tảng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng…Để phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện, cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan và phát triển nguồn lực du lịch, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch và đặc biệt gắn với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc.

Hiện nay, toàn huyện có 05 cơ sở lưu trú và 06 homestay với hơn 100 phòng. Du lịch trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các điểm đến như: Mường Lống, Mỹ Lý, Na Ngoi, Nậm Cắn, đền Pu Nhạ Thầu, chợ biên Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn; huyện phát triển các mặt hàng đặc trưng, xây dựng thương hiệu OCOP như: Bò giàng, thổ cẩm, gà đen, gừng, chè Tuyết Shan,…Theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch đến Kỳ Sơn trong năm 2023 đạt hơn 7.000 lượt người.

Thời gian tới, Kỳ Sơn sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đó là đường giao thông, điều kiện ăn ngủ, tiện nghi sinh hoạt, vệ sinh, nước sạch, viễn thông và các dịch vụ kèm theo; củng cố, duy trì và từng bước nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng, các Homestay. Tại các điểm du lịch cộng đồng, trên cơ sở thế mạnh của từng tộc người, sẽ tăng cường khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Có chính sách hỗ trợ, bảo đảm xây dựng các mô hình du lịch có bản sắc, hiệu quả và khả thi.

“Cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, Kỳ Sơn luôn mong muốn có sự chung tay, đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, phát triển du lịch nhằm từng bước ổn định đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng Kỳ Sơn là điểm đến ấn tượng, thân thiện, mến khách, để lại niềm vui, những tình cảm tốt đẹp cho nhiều người” – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng bày tỏ.

Không chỉ có thế mạnh về tự nhiên, với 5 hệ đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống từ lâu đời, người dân Kỳ Sơn còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa, lịch sử đặc sắc. Chính vì vậy, trong những năm qua, nhiều du khách đã đến để tham quan, khám phá những giá trị không thể trộn lẫn của vùng đất nơi địa đầu biên cương xứ Nghệ này. Các địa danh được nhắc nhiều nhất khi về với Kỳ Sơn là cổng trời Mường Lống, đỉnh Puxailaileng, Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, tháp cổ Yên Hoà, rừng Pơmu ở Tây Sơn, Huồi Tụ…

Mai Liễu

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích