HueWaco có làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân?
Đồng thời, LS. Võ Công Hạnh cho biết, khi xảy ra vụ việc người dân 3 xã và 1 thị trấn tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô dùng nước nhiễm bẩn do HueWaco cung cấp, người dân có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án để đươc giải quyết về quyền lợi chính đáng của mình…
Như Reatimes đã thông tin, người dân 3 xã và 1 thị trấn ở Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (khoảng 50 ngàn người, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) những ngày gần đây phải dùng nguồn nước bẩn để sinh hoạt. Chính người dân đã phát hiện và cấp báo cho doanh nghiệp cấp nước là Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên – Huế (HueWaco). Ngay sau sự việc, phía HueWaco cũng đã nỗ lực khắc phục hậu quả; cử nhân viên đến nhà người dân thông ống, rửa ống…
Tuy nhiên đến đêm 28/7, tình trạng nước nhiễm bẩn vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhiều gia đình gặp khó khăn, bất tiện trong nguồn nước sinh hoạt, nhất là người dân nhiều thôn đang phong tỏa do phòng chống dịch Covid-19 tại xã Lộc Thủy, một trong bốn địa phương bị ảnh hưởng. Nhiều người dân tại các địa phương cũng đã liên lạc với PV Reatimes nhờ tư vấn giải quyết sự việc, nhất là đảm bảo tính pháp lý và quyền lợi đã được pháp luật quy định.
Để rộng đường dư luận, góp phần giúp người dân có thêm kiến thức pháp lý liên quan sự việc này, hướng đến giải quyết sự việc thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền lợi của người dân, Reatimes đã có cuộc phỏng vấn với LS. Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty Luật Công Khánh, TP. Huế, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế.
PV: Thưa luật sư, sau sự cố nước sinh hoạt nhiễm bẩn ảnh hưởng trên quy mô rộng gồm 4 xã – thị trấn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, việc đầu tiên người dân cần làm lúc này là gì?
LS. Võ Công Hạnh: Trước hết người dân không nên hoang mang, phải hết sức bình tĩnh để xử lý sự cố nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình bằng việc:
– Ngưng dùng nước được cấp để ăn, uống;
– Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để ghi nhận sự việc;
– Báo cho công ty cấp nước để khắc phục sự cố (nếu chỉ là sự cố không mong muốn);
Trường hợp tình trạng kéo dài mà không được khắc phục hoặc công ty cố tình vi phạm thì người dân có thể thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Cùng với việc khiếu nại hoặc khởi kiện, người dân có thể đề nghị tổ chức thừa phát lại (người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định – PV) đến ghi nhận sự việc để làm chứng cứ khi yêu cầu giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền.
PV: Phía HueWaco nêu lý do thiếu nước do tác động của biến đổi khí hậu rồi không sử dụng nguồn nước từ Khe Bàu Ghè và Khe Mệ (núi cao của xã Lộc Tiến) mà hút nước sông Thừa Lưu, cung cấp cho người dân – khách hàng trong một thời gian dài khi chưa được sự thoả thuận, đồng ý của khách hàng. Theo luật sư, như vậy có đảm bảo tính pháp lý lẫn nhân đạo?
LS. Võ Công Hạnh: Theo quy định của pháp luật hiện hành và Hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa các bên, không có yêu cầu bắt buộc đối với nguồn nước đầu vào của công ty cấp nước phải được lấy từ khe suối hay sông hồ nào cụ thể. Do đó, khi cấp nước cho người dân, công ty chỉ cần tuân thủ và đảm bảo nguồn nước cấp ra cho người dân đạt quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền quy định. Việc HueWaco lấy nước từ các nguồn không an toàn, không xử lý kỹ để đảm bảo vệ sinh an toàn chất lượng nước sạch là vi phạm các tiêu chuẩn về cung cấp nước sạch. Vấn đề này cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc xem xét, quy kết đúng trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan nhằm tránh tình trạng tái diễn.
PV: HueWaco tự ý lấy mẫu nước sông mang đi kiểm nghiệm, sau đó dùng bản kiểm nghiệm với kết quả đạt QCVN do cơ quan chuyên môn Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện. Quy trình kiểm nghiệm này có đúng pháp luật và khách quan không, thưa luật sư?
LS. Võ Công Hạnh: Pháp luật không hạn chế cá nhân hay tổ chức nào thực hiện lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, việc tự lấy mẫu nước và đưa đi kiểm nghiệm đó chỉ có tính chất tham khảo, không được xem là chứng cứ trong tố tụng vì không đảm bảo các điều kiện của chứng cứ.
Còn trong trường hợp này, nếu phát sinh tranh chấp và một trong các bên yêu cầu tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy trình luật định.
PV: Người dân có quyền mời các chuyên gia độc lập vào cuộc để đánh giá vấn đề đường ống nước sau đồng hồ của gia đình họ hiện nay không?
LS. Võ Công Hạnh: Như tôi đã phân tích ở trên, việc lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm hoặc mời chuyên gia phân tích mà không có cơ quan giải quyết có thẩm quyền thực hiện theo trình tự thủ tục thì nó chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng việc này nếu có điều kiện cũng nên làm vì đây là cách tốt để người dân cân nhắc việc sử dụng nước của gia đình nhằm đảm bảo sức khỏe.
Tuy nhiên, để vừa có thể đánh giá được chất lượng nước cũng như làm căn cứ, chứng cứ khi giải quyết tranh chấp thì nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện.
PV: Người dân có quyền khởi kiện vụ việc này ra tòa án để được giải quyết theo quy định pháp luật không, thưa luật sư?
LS. Võ Công Hạnh: Trước sự việc người dân 4 xã Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đang dùng nguồn nước sinh hoạt do Nhà máy nước Chân Mây thuộc HueWaco cung cấp theo hợp đồng cung cấp nước sạch, trong những ngày gần đây người dân phải dùng nước bẩn, nước chuyển màu như nhớt gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân. Cụ thể đối với vụ việc này người dân có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật, bởi những lý do sau:
– Thứ nhất, căn cứ điểm c Khoản 7 Điều 5 Thông tư 41/2018/TT-BYT có quy định “đơn vị cấp nước có trách nhiệm lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch”, trong đó phải “công khai thông tin về chất lượng nước sạch”. Tuy nhiên sau khi xảy ra sự việc người dân phát hiện nước bẩn thì phía công ty thừa nhận Nhà máy nước Chân Mây thuộc HueWaco đã lấy nước sông Thừa Lưu rồi xử lý, cung ứng cho khách hàng nhưng đã được “kiểm nghiệm” và “đạt QCVN”. Việc công ty không thông báo cho người dân về việc sử dụng nguồn nước không đúng với chu trình xử lý và sản xuất nước tại nhà máy mà công ty đã thông tin trước đó gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cũng như sức khỏe của người dân.
– Thứ hai, việc công ty cố tình sử dụng nguồn nước tại sông Thừa Lưu không đảm bảo chất lượng nguồn nước, gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân thì “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp” quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 5 Thông tư 41/2018/TT-BYT.
– Thứ ba, căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật”. Trong vụ việc trên, nguồn nước mà công ty cung cấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, vì vậy công ty phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khoản 3 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, cụ thể là bồi thường theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 do công ty đã không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp nước sạch cho người dân.
Như vậy, hành vi của HueWaco gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, vì vậy người dân có thể khởi hiện ra Tòa án theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015. Căn cứ quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 về quyền khởi kiện và Hợp đồng dịch vụ cấp nước mà các Bên đã ký kết, người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết khi thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
PV: Thủ tục, trình tự như thế nào thưa ông? Người dân, khách hàng của HueWACO sẽ tiến hành khởi kiện đơn lẻ hay ủy quyền tập thể?
LS. Võ Công Hạnh: Thủ tục, trình tự khởi kiện như sau:
– Để khởi kiện, người dân có thể cử ra một người đại diện hoặc thông qua các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để làm việc với HueWaco, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa giúp cho việc xác định thiệt hại và mức bồi thường dễ dàng hơn.
– Nộp đơn khởi kiện, kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh (hóa đơn, chứng từ) nguồn nước bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân đến Tòa án Nhân dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Tòa án nhận và xử lý đơn khởi kiện:
– Thụ lý và phân công thẩm phán giải quyết vụ án
– Hòa giải và chuẩn bị xét xử: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết.
– Thẩm phán ra một trong các quyết định: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ giải quyết vụ án; Đưa vụ án ra xét xử…
PV: Cảm ơn luật sư về cuộc phỏng vấn này.