HoREA góp ý nhiều nội dung liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi)

(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, muốn xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW thì phải sửa đổi đồng bộ, thống nhất các quy định pháp luật về đất đai, thuế, giá, đấu giá tài sản, đấu thầu…

HoREA góp ý nhiều nội dung liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi)
HoREA góp ý nhiều nội dung liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi).

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bộ Tài nguyên & Môi trường góp ý một số quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất và quyền được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về điều kiện nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp để được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và quy định pháp luật có liên quan.

HoREA cho rằng, muốn xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW thì phải sửa đổi đồng bộ, thống nhất các quy định pháp luật về đất đai, thuế, giá, đấu giá tài sản, đấu thầu, bắt buộc thanh toán giao dịch bất động sản không dùng tiền mặt, phải qua ngân hàng.

Đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp khai gian, trốn thuế và tích hợp với Đề án 06 – cơ sở dữ liệu lớn quốc gia (Big data), trong đó có cơ sở dữ liệu về giá đất đáng tin cậy, được cập nhật theo thời gian thực và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo HoREA, trường hợp điểm b khoản 1 Điều 123 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và được Quốc hội thông qua thì Hiệp hội nhận thấy, cần phải quy định điều khoản chuyển tiếp để xử lý các dự án nhà ở thương mại mà doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Trên cơ sở đó, HoREA kiến nghị, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 123 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể, đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở hoặc đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 123 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng: Có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 38 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật năm 2022.

“Hiệp hội đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bãi bỏ Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật năm 2022 do nội dung này được quy định tại Luật Nhà ở (mới)” – HoREA kiến nghị.

HoREA nhấn mạnh, trường hợp nội dung điểm b khoản 1 Điều 123 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên đây được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và được Quốc hội thông qua thì Hiệp hội nhận thấy cần phải quy định điều khoản chuyển tiếp để xử lý các dự án nhà ở thương mại mà doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích