Họp tham vấn về quản lý hóa chất và chất thải tại Hà Nội

Họp tham vấn về quản lý hóa chất và chất thải tại Hà Nội

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế phát thải các-bon thấp, việc quản lý hợp lý hóa chất và chất thải là một yêu cầu cấp thiết và xu thế tất yếu của thế kỷ 21.

Đó là một trong những ý kiến của đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đưa ra trong cuộc họp Tham vấn xây dựng đề xuất kỹ thuật huy động nguồn lực hỗ trợ trong quản lý hóa chất và chất thải được tổ chức ngày 13/8. Cuộc họp do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Họp tham vấn về quản lý hóa chất và chất thải tại Hà Nội
Toàn cảnh buổi họp

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, TS. Nguyễn Trung Thắng, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNDP và UNEP nhằm thực hiện các Công ước quốc tế về quản lý hóa chất và chất thải. Ông cho rằng, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế phát thải các-bon thấp, việc quản lý hợp lý hóa chất và chất thải là một yêu cầu cấp thiết và xu thế tất yếu của thế kỷ 21.

Trong cuộc họp, TS. Nguyễn Trung Thắng đã giới thiệu dự án “Tăng cường năng lực thể chế trong quản lý chất thải nhựa và hóa chất ở Việt Nam”, một dự án đang được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường xây dựng với sự hỗ trợ từ UNEP. Dự án này tập trung vào việc tăng cường các chính sách kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị chất thải nhựa, tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn và cải thiện quản lý chất thải để thúc đẩy tái chế và tái sử dụng.

TS. Kim Thị Thúy Ngọc từ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã trình bày về chương trình đặc biệt của UNEP trong quản lý hóa chất và chất thải. Chương trình này nhằm hỗ trợ các quốc gia tăng cường thể chế và thực hiện các chính sách quản lý hóa chất và chất thải theo hướng bền vững. TS. Ngọc cũng đề xuất huy động tài trợ từ chương trình đặc biệt của UNEP để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động tiêu cực của chất thải nhựa đối với môi trường.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm hoàn thiện đề xuất dự án. Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn phạm vi, quy mô và thời gian thực hiện dự án, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng lỗ hổng thể chế để tăng tính thuyết phục của đề xuất.

Cuộc họp tham vấn cho thấy có rất nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quản lý hóa chất và chất thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích