Hợp tác Việt – Nhật nâng tầm toàn diện

(Xây dựng) – Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ 2 về đầu tư, thứ 3 về du lịch và thứ 4 về thương mại. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu của các DN Nhật Bản khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Hiện nay nhiều DN nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Nhiều công trình sử dụng vốn ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

hop tac viet nhat nang tam toan dien
Cầu Nhật Tân biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nhật.

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư

Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Thủ tướng Chính phủ hai nước vào tháng 3/2014, mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Kỳ vọng của Việt Nam đối với viện trợ song phương từ Nhật Bản, quốc gia tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam, cũng ngày một gia tăng.

JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) hiện đang thực hiện hợp tác với các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương, các tổ chức phi Chính phủ… của Nhật Bản nhằm hỗ trợ một cách toàn diện cho Việt Nam trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng một xã hội công bằng thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, tăng cường quản trị Nhà nước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 63,94 tỷ USD. Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu USD/dự án.

Bước sang năm 2021, riêng trong 10 tháng, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 150 dự án mới (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước), điều chỉnh 105 lượt dự án và 170 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 3,38 tỷ USD, đứng thứ 3/97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam (chỉ sau Singapore và Hàn Quốc).

Dòng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng rất tích cực bất chấp những khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19 thể hiện niềm tin của DN FDI Nhật Bản và sức hút của thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tốt để tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác đầu tư giữa hai nước trong bối cảnh mới.

Nhật Bản hiện đã đầu tư tại 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Thanh Hóa là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nhật Bản với số vốn là 12,5 tỷ USD chiếm 19,59% tổng vốn đầu tư. Ông Shimuzu Akira – Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các DN Nhật Bản đánh giá Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng nên họ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Hiện các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.842 dự án với số vốn 41,79 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm đến 65,3% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với 19 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,4 tỷ USD chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Kế đến là kinh doanh bất động sản với số vốn là 6,97 tỷ USD chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư.

Ưu tiên lĩnh vực hạ tầng

Nhật Bản dành tỷ lệ rất lớn vốn ODA đầu tư vào Việt Nam cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng trong khoảng thời gian từ 1992 – 2011, Nhật Bản đã dành 19,7 tỷ USD nguồn vốn ODA cho Việt Nam, kết quả đã mở thêm 3.309 km đường, xây dựng được 287 cây cầu các loại và tăng thêm sản lượng 4.500 MW điện. Nguồn ODA này vẫn đang tiếp tục được đầu tư ngày càng lớn và hiệu quả cho Việt Nam.

Trong các dự án hạ tầng của Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam xuyên suốt chiều dài đất nước, một số công trình ở miền Nam như công trình xây dựng cầu Bình Khánh, dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên và dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng của Nhật Bản và Việt Nam chủ yếu tập trung giải quyết các nhu cầu cấp thiết trong đời sống của người dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng và cả nước trong tương lai.

Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt Nhật với mục tiêu: tận dụng thế mạnh về khoa học công nghệ tiên tiến của Nhật Bản; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp quản và chuyển giao những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cho Việt Nam; đồng thời cũng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu. Chương trình thạc sỹ Kỹ thuật hạ tầng của Trường Đại học Việt Nhật được xây dựng trên cơ sở hợp tác với đối tác chính là Đại học Tokyo (Đại học hàng đầu của Nhật Bản) và 10 trường đại học khác của Nhật Bản. Chương trình bao gồm khối kiến thức chung, kiến thức cơ bản và cụ thể. Các môn học với kiến thức chung sẽ giúp học viên có kiến thức bao quát về khoa học bền vững, xã hội và môi trường.

Một số dự án tiêu biểu của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam như: Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư là 9 tỷ USD; Dự án Thành phố Thông minh, tổng đầu tư là 4,13 tỷ USD với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bao gồm Trung tâm tài chính thương mại, nhà trẻ, vườn hoa công viên, khu nhà ở dự án đầu tư tại Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng đầu tư là 2,79 tỷ USD tại Thanh Hóa.

Đối tác tương đồng

Theo đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, xu hướng DN Việt đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản ngày càng tăng cho thấy Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác tương đồng với nhau. Đơn cử, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một DN lớn của Việt Nam hiện đã có 10 chi nhánh ở Nhật Bản. Điều này là minh chứng cho việc DN Việt Nam xuất sắc có thể dễ dàng hợp tác với Nhật Bản, cũng như triển vọng đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản hoàn toàn có thể triển khai trong thực tế.

Hiện các DN FDI lớn của Nhật Bản như: Canon, Panasonic trong lĩnh vực điện tử; Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi thuộc nhóm công nghiệp chế tạo; đại diện ngành năng lượng là Marubeni, Sojitz, Idemitsu, Mitsui hay Tập đoàn dệt may Toray;… đều đóng vai trò quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng và nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu, rộng hơn và có chỗ đứng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là các lĩnh vực như cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện – điện tử, năng lượng, dệt may, da giày.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích