“Hợp tác và hành động” là điểm tựa phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

(Xây dựng) – Ngày 20/5, trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội Sen Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 2 – năm 2022” với chủ đề “Hợp tác và hành động”.

hop tac va hanh dong la diem tua phat trien du lich dong bang song cuu long
Ông Hà Văn Siêu phát biểu tại Diễn đàn.

Tài nguyên du lịch bản địa giàu có

Theo các diễn giả, ĐBSCL là nơi có nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp giàu có. ĐBSCL có diện tích hơn 400.000m2, với đặc trưng là sông nước miệt vườn, ruộng đồng, bưng biền. Mỗi địa phương có vật nuôi, cây trồng khác nhau, ruộng thì trồng lúa, vườn trồng cây ăn trái, bưng biền ngập nước có nhiều sen và cá nước ngọt, biển có rừng ngập mặn, vuông tôm. Ông Phan Đình Huê, Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, Chủ tịch Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt ví von: “ĐBSCL giống như một bức tranh xinh đẹp với cánh đồng quê, sông nước, xóm ấp, chùa chiền đan quyện vào nhau. Hơn thế nữa, đây còn là vùng có khí hậu tốt hàng đầu Việt Nam, nơi hầu như không có động đất, sóng thần, bão, lũ quét hay các hiện tượng tự nhiên bất thường nên có thể nói ĐBSCL có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cả bốn mùa…”.

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng, là nơi còn kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch hội nghị, nghiên cứu – nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống đến du lịch biển đảo chất lượng cao, có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng miền trong cả nước, hợp tác phát triển du lịch với các nước tiểu vùng sông Mê Kông…

Những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú nổi trội mang đặc trưng riêng, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên một nền văn hóa ĐBSCL đa bản sắc, đậm chất phương Đông, vừa kín đáo, vừa dung dị. Đó cũng là bản sắc văn hóa đặc trưng của miền đất và con người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng, góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù, Trong đó, tính chất văn hóa của du lịch sông nước miệt vườn, sinh thái và nghỉ dưỡng đã tạo nên chân dung riêng cho vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh là tiềm năng vô tận để phát triển du lịch MICE. Vùng ĐBSCL có tiềm năng phát triển du lịch phong phú đa dạng với các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo, văn hóa bản địa và tâm linh…”.

hop tac va hanh dong la diem tua phat trien du lich dong bang song cuu long
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại Diễn đàn.

Mặc dù, ĐBSCL giàu tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch như vậy nhưng những năm qua du lịch ĐBSCL phát triển chưa xứng tiềm năng. Theo các diễn giả, thời gian qua, du lịch ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của vùng. Thiếu sự kết nối, liên kết, hợp tác trong quản lý và hoạt động du lịch giữa các tỉnh, các vùng, khu vực. Các địa phương còn bất cập, chậm triển khai các cơ chế, chính sách hiện có, chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội, chưa tạo được sự linh hoạt, sự thích ứng để hình thành các mô hình, ý tưởng sáng tạo trong phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng tuy được chủ trương đầu tư thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chất lượng nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng.

Hợp tác và hành động – Đòn bẩy phát triển du lịch ĐBSCL

Tại Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL lần thứ 2 – năm 2022 tại Đồng Tháp, các diễn giả cho rằng không thể chỉ dừng lại ở chỗ ký kết hợp tác mà cần phải hành động ngay. Hợp tác và hành động sẽ tạo động lực, đòn bẩy để du lịch ĐBSCL cất cánh.

Muốn vậy phải tìm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước tiên phải tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê tiềm năng của vùng. Thống kê, đánh giá, phân tích, tổng hợp… tiềm năng đặc trưng của vùng, của từng tỉnh trong vùng về văn hóa, lịch sử, con người Tây Nam bộ, trên cơ sở đó, xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng từng tỉnh, thành phố trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo được thế mạnh của vùng.

Cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch ở các điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nơi mua sắm… Theo đó, tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng ấn tượng tốt cho du khách. Xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, khoa học trong từng địa phương và liên tỉnh trong vùng ĐBSL với lộ trình hợp lý, hài hòa, hấp dẫn, chú trọng các tour, tuyến đi tham quan biển đảo.

Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.

Tăng cường liên kết hợp tác, phối hợp xây dựng các tour, tuyến du lịch nội vùng, liên địa phương, liên vùng hấp dẫn trên cơ sở khai thác đặc thù của từng địa phương, từng khu vực. Đầu tư có chọn lọc các sản phẩm đặc trưng tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt, không phủ nhận lẫn nhau, góp phần tạo dựng năng lực cạnh tranh cho du lịch toàn vùng. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa các công ty du lịch, các trung tâm du lịch cả nước, các nước Đông Nam Á với ĐBSCL nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng sông nước Cửu Long.

Phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Phát triển du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa – lịch sử, gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn – Cà Mau, Tràm Chim, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu…

Phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan, Campuchia-Rạch Giá-Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap (Campuchia).

Tại Diễn đàn, Phó Tổng Cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu, cho rằng: “Hướng liên kết cần phát huy vai trò dẫn dắt của Thành phố Hồ Chí Minh về thị trường nguồn, gửi khách đến ĐBSCL theo các chương trình du lịch nông nghiệp. Các chương trình đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại ĐBSCL đều bắt nguồn từ ý tưởng của thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Ở đây những cam kết hỗ trợ, tạo cho sản phẩm du lịch nông nghiệp được đảm bảo cho các doanh nghiệp đầu tư, gửi khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến ĐBSCL. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khai thác, chủ động sáng tạo hiệu quả những nguồn lực, tiềm năng du lịch nông nghiệp của vùng ĐBSCL; phát huy hỗ trợ nông dân phát triển các chương trình du lịch nông nghiệp đưa khách từ thị trường Thành phố Hồ Chí Minh về ĐBSCL, các sản phẩm du lịch có sự tham gia tích cực của nông dân, nhiều trải nghiệm gắn với văn hóa canh tác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản, tôm cá, trái cây và lúa của ĐBSCL…”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, nơi tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành ĐBSCL lần thứ 2-năm 2022, cho rằng: “Liên kết” được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công. Thời gian qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, mà Diễn đàn Kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL là một minh chứng cụ thể. Qua lần đầu tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 và nhiều hoạt động tiếp nối đã mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

hop tac va hanh dong la diem tua phat trien du lich dong bang song cuu long
Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 2 – năm 2022 tại Đồng Tháp.

Tại Diễn đàn này, chúng tôi rất mong lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Du lịch, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư cùng với lãnh đạo tỉnh và các tỉnh, thành phố tiếp tục thảo luận tìm ra giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tiến tới đồng thuận trong xây dựng cơ chế, chính sách cũng như kiến nghị Trung ương hoạch định những chính sách đặc thù giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện hiệu quả cơ chế liên kết vùng về phát triển du lịch.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương bạn trong vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả…”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích