Hợp tác công tư tạo sự bứt phá cho nông nghiệp

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 57/2018/NĐ- CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững,…

Hợp tác công tư tạo sự bứt phá cho nông nghiệp
Ảnh minh họa.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế – xã hội của Việt Nam”, Tiến sĩ Hồ Thanh Thủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho hay: Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Năm 2021, có 6 dự án với tổng mức đầu tư trên trên 5 nghìn tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động.

Cũng trong năm 2021, thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp. Điều này tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng mặt hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và có nhiều tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như C.P.Việt Nam, Tập đoàn TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Doveco…

Điển hình như trong chăn nuôi, rất nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, chế biến, với công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi khép kín đặc biệt là có chế biến sâu như C.P.Việt Nam đầu tư tổ hợp với 250 triệu USD tại Bình Phước với mục tiêu 45% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; xây dựng nhà máy giết mổ gia súc tại Hà Nội. Còn Masan thì đầu tư nhà máy giết mổ tại Hà Nam và Vĩnh Long…

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Điều này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương.

Mô hình hợp tác công tư (PPP) ngành Nông nghiệp được triển khai từ năm 2011 đối với một nhóm tài chính vi mô và 5 hàng hóa, gồm: Cà phê, chè, rau quả, thủy sản, cây lương thực làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với các đối tác là 17 tập đoàn đa quốc gia, công ty quốc tế. Năm 2015 được thể chế hóa thành Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), hướng tới mục tiêu phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng chủ lực của Việt Nam nhằm mục đích tăng năng suất lao động, thúc đẩy xây dựng, áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn cho các mặt hàng nông sản; tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện tính bền vững về môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

“Khi chúng ta chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao, đây chính là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp.

Để thực hiện điều này, bên cạnh người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp thì vai trò của doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp sẽ ngày càng cao. Thậm chí để thành công thì người nông dân cũng sẽ cần có tư duy của doanh nhân, doanh nghiệp để thực hành làm kinh tế nông nghiệp”, Tiến sĩ Hồ Thanh Thủy nhận định.

So với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn và để nông nghiệp Việt Nam bứt phá phát triển mạnh hơn nữa, cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện mục tiêu của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn tới là “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có” càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp trong nước. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành Nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới, và từ đây mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân.

Do đó, chính quyền các cấp cần nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, từ đó có giải pháp tháo gỡ đồng bộ, kịp thời giúp doanh nghiệp thực sự trở thành “hạt nhân” mở đường, đột phá thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Với mục tiêu chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tìm kiếm thị trường sang nghiên cứu thị trường để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”, Nhà nước sẽ cần phải tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp bằng những cơ chế hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý, tiếp cận thị trường và tận dụng các cơ hội hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích