Hợp đồng tương tự trong đấu thầu được quy định như thế nào?
(Xây dựng) – Trường hợp nhà thầu chứng minh được kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự đáp ứng yêu cầu về quy mô, tính chất với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ thì hợp đồng này được xem xét, đánh giá.
Ảnh minh họa. |
Đơn vị ông Nguyễn Huy (Cần Thơ) thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu như sau:
– Theo hồ sơ mời thầu (về nội dung hợp đồng tương tự):
Từ ngày 1/1/2019 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu: Nhà thầu cung cấp 2 công trình có công trình dân dụng, cấp III, trong đó ít nhất một công trình có giá trị là 10.700.000.000 VNĐ và tổng giá trị tất cả các công trình ≥ 21.400.000.000 VNĐ, với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ.
Các tài liệu kèm theo để chứng minh: Hợp đồng tương tự, biên bản công trình đưa vào sử dụng hoặc biên bản thanh lý hợp đồng, tài liệu chứng minh loại và cấp công trình của cơ quan nhà nước.
– Theo hồ sơ dự thầu nhà thầu cung cấp:
Nhà thầu cung cấp 1 công trình (khách sạn vốn tư nhân) nhà thầu vừa là chủ đầu tư vừa là nhà thầu thi công. Nhà thầu kèm theo tài liệu để chứng minh: Giấy chứng nhận đầu tư; giấy phép xây dựng (có thể hiện là công trình dân dụng cấp III); giấy xác nhận của UBND huyện: Nhà thầu vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà thầu thi công, giá trị thực hiện nhà thầu thực hiện là 12.000.000.000 VNĐ.
Nhà thầu cung cấp 1 hợp đồng ký với tư nhân thi công showroom nội thất, nhà thầu cung cấp tài liệu để chứng minh: Giấy phép xây dựng, có thể hiện là công trình dân dụng cấp III; hợp đồng thi công, có thể hiện giá trị là 13.500.000.000 VNĐ; biên bản nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng.
Ông Huy hỏi, nội dung 2 hợp đồng nêu trên có đáp ứng theo hồ sơ mời thầu hay không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Đối với gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày 1/1/2024, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo hướng dẫn tại Mục 2.1 Chương III Mẫu E-HSMT xây lắp một giai đoạn hai túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, bên mời thầu có thể quy định trong E-HSMT như sau:
Từ ngày 01 tháng 01 năm (9) đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành (10) tối thiểu 2 công trình có: loại kết cấu:…, cấp:… [ghi theo loại kết cấu, cấp công trình của công trình thuộc gói thầu] (11), trong đó ít nhất một công trình có giá trị là V (12) và tổng giá trị tất cả các công trình ≥ X, với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ. Trong đó X= 2 x V. Trường hợp nhà thầu là liên danh thì phải thỏa mãn yêu cầu (tương đương với phần công việc đảm nhận).
Theo hướng dẫn tại ghi chú 11, 12 Mục 2.1 đã nêu, loại kết cấu, cấp công trình được xác định theo Phụ lục II Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. V có giá trị thông thường khoảng 50% giá trị công việc xây lắp của công trình thuộc gói thầu đang xét (công trình A). Hai công trình có cấp thấp hơn liền kề với cấp của công trình đang xét, giá trị hoàn thành mỗi công trình cấp thấp hơn liền kề bằng hoặc lớn hơn 50% giá trị công việc xây lắp của công trình đang xét thì được đánh giá là một công trình xây lắp tương tự.
Theo đó, việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.
Trường hợp nhà thầu chứng minh được kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự (kể cả hợp đồng thực tế đã thực hiện của gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu) đáp ứng yêu cầu về quy mô, tính chất với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ thì hợp đồng này được xem xét, đánh giá. Tuy nhiên, nhà thầu phải cung cấp đầy đủ các tài liệu để chứng minh về hợp đồng của mình (hợp đồng, biên bản nghiệm thu…).
Nguồn: Báo xây dựng