Họp chuyên đề pháp luật: Giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu ý kiến của đại biểu QH quy định về trợ lý, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên, ưu tiên đối tượng này trong xem xét bổ nhiệm công chứng viên.

Họp chuyên đề pháp luật: Giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết còn một số vấn đề lớn có ý kiến khác nhau.

Đối với mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Một số ý kiến đề nghị các phương án như Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân áp dụng đối với văn phòng công chứng được thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ.

Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân do 1 công chứng viên làm chủ khó đáp ứng được yêu cầu này. Một số bất cập trong thực tiễn liên quan đến mô hình công ty hợp danh của Văn phòng công chứng đã được giải quyết bằng các quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm và nghĩa vụ của công chứng viên khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.

Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

“Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập Văn phòng công chứng. Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào 1 công chứng viên duy nhất,” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay.

Về cơ sở dữ liệu công chứng ở Điều 63 của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết có một số ý kiến đề nghị: Rà soát lại các cơ sở dữ liệu thành phần bảo đảm chặt chẽ, thống nhất; phải có một cơ sở dữ liệu công chứng dùng chung trên địa bàn toàn quốc, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu này.

Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải băn khoăn về quy định công chứng bản dịch và cho rằng, nếu chỉ chứng thực bản dịch thì bản dịch được chứng thực chỉ có ý nghĩa chứng thực chữ ký người dịch, không bảo đảm giá trị sử dụng của bản dịch được công chứng như giấy tờ, văn bản được dịch theo quy định tại khoản 4, Điều 5, Luật Công chứng hiện hành.

“Không quy định việc công chứng bản dịch mà chỉ quy định công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch liệu có ảnh hưởng tới việc chấp nhận tài liệu, hồ sơ mà đối tượng là công dân Việt Nam phải nộp ở các tổ chức nước ngoài hay không?” – Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu ý kiến.

Quan tâm về đội ngũ trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ đội ngũ này đang tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng, từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ chữ ký trong giao dịch, hỗ trợ đặt lịch, xếp lịch, tổ chức ký kết giao dịch, cập nhật dữ liệu, lập hồ sơ lưu trữ… và nhiều công việc khác.

Trong khi đó, tại Điều 7, dự thảo Luật quy định nghiêm cấm công chứng viên tiết lộ thông tin công chứng. Vậy nếu không quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ thì đối tượng này không có cơ sở để tiếp cận, xử lý công việc, nhất là nguyên tắc bảo mật thông tin công chứng; cũng như cần bảo đảm tư cách của các đối tượng này khi giao tiếp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia hoạt động công chứng, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

“Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội quy định về trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên. Cần ưu tiên cho các đối tượng này trong điều kiện xem xét bổ nhiệm công chứng viên,” Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích