Hơn 97% mẫu nông lâm thủy sản đạt yêu cầu an toàn thực phẩm
Năm vừa qua, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, thủy sản giai đoạn 2021 – 2030; Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025; Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030.
Ông Tiệp cho biết việc kiểm soát an toàn thực phẩm đã chuyển từ thanh, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất; và tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp. Về kết quả kiểm tra trong năm 2023, theo ông Tiệp, 97,6% mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu; 99,2% cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và số cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm là 82%.
“Đến nay, cả nước đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với 2.510 chuỗi, trong đó có sự tham gia của trên 300 doanh nghiệp, 150 hợp tác xã”, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường cho biết.
Đặc biệt năm vừa qua, trước bối cảnh giá gạo thế giới liên tục tăng cao, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Về mở cửa thị trường năm 2023 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Năm 2023, đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc, 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU, 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm sống, cua xuất khẩu vào Trung Quốc, 1 cơ sở vào Hoa Kỳ, 2 cơ sở vào Liên bang Nga; đã cấp 6.997 mã số vùng trồng, 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (Dưa hấu sang Trung Quốc; dừa tươi sang Hoa Kỳ…). Đặc biệt một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Trung Quốc (Sầu riêng, Tổ Yến, bưởi Diễn…)
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đạt 53,01 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2022, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó xuất khẩu nông sản chính 27,1 tỷ USD, tăng 18,8%; chăn nuôi gần 515,5 triệu USD, tăng 26,2%; lâm sản chính 14,4 tỷ USD, giảm 15,8%; thủy sản 8,98 tỷ USD, giảm 17,8%.
Từ góc độ quản lý, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu đã có những thay đổi nhanh chóng, đặc biệt từ sau giai đoạn Covid-19. Một số khu vực tỏ ra nhạy cảm hơn trước các biến đổi. Hàng rào kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu sẽ có xu hướng gia tăng, theo hướng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc, chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, năm 2023, Việt Nam đã giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời triển khai một cách có hiệu quả những Nghị định thư đã ký trong năm 2023, nhất là với ngành hàng rau quả, trong đó có sầu riêng cán mốc xuất khẩu hơn 2 tỷ USD.
Đặc biệt, vào tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam đã đánh dấu thêm một bước quan trọng trong việc giao thương hàng hóa nông sản giữa hai bên. Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị những người làm công tác thị trường có thêm những nghiên cứu, khảo sát để phát triển hết tiềm năng, dư địa của thị trường 1,4 tỷ dân.
Định hướng công tác năm 2024, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo Cục Chất lượng – Chế biến và Phát triển thị trường gấp rút hoàn thiện, củng cố, xây dựng lực lượng quản lý an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở; đồng thời có phương hướng gắn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm vưới một số chương trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai như xây dựng nông thôn mới, tổ khuyến nông cộng đồng… Song song với đó là tăng cường, phát triển, mở rộng các chuỗi thực phẩm an toàn.
“Trên đà hội nhập kinh tế thế giới, nhu cầu về sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ ngày càng tăng. Vì vậy, cán bộ Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần có những kế hoạch cụ thể để đón đầu xu hướng này,” ông Trần Thanh Nam lưu ý, đồng thời yêu cầu Cục gấp rút xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu trong nội bộ ngành. Đây là tiền đề để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần minh bạch hóa thông tin, làm cơ sở vững chắc để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển hơn nữa thương hiệu sản phẩm OCOP.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu