Hơn 40 văn bản luật, dưới luật quy định chính sách cấp, thoát nước

Hơn 40 văn bản luật, dưới luật quy định chính sách cấp, thoát nước

MTĐT –  Thứ hai, 30/01/2023 07:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính sách về cấp nước và thoát nước đang được điều chỉnh bởi 15 luật, 10 nghị định, 6 thông tư của các bộ ngành và 14 văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tồn tại không ít bất cập trong triển khai nhiệm vụ.

Chính sách về cấp nước và thoát nước đang được điều chỉnh bởi 15 luật, 10 nghị định, 6 thông tư của các bộ ngành và 14 văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tồn tại không ít bất cập trong triển khai nhiệm vụ, từ đó đặt ra vấn đề cần thiết ban hành Luật điều chỉnh cấp, thoát nước.

Chỉ đạo xã hội hóa từ năm 2000

Có thể kể đến các luật liên quan đến cấp, thoát nước do Quốc hội ban hành: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2010, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Giá năm 2012, Luật Đất đai năm 2013, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Thủy lợi năm 2017, Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Các nghị định của Chính phủ ban hành: Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên; Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án ĐTXD; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Hơn 40 văn bản luật, dưới luật quy định chính sách cấp, thoát nước
Công trường một dự án. Nguồn ảnh: Internet.

Các thông tư của các bộ, ngành liên quan: Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải; Thông tư số 13/2018/TT-BXD ngày 27/12/2018 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước; Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt; Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung bao gồm các yêu cầu phải đáp ứng trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành công trình.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có 14 văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề cấp, thoát nước, trong đó văn bản chỉ đạo sớm nhất từ năm 2000 bằng Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 nêu rõ việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, trong đó có sự tham gia của cộng đồng vào vận hành, bảo đưỡng, quản lý và kinh doanh các công trình, dịch vụ cấp nước sạch nông thôn; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Bên cạnh đó, còn có các quyết định như: Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg ngày 31/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg; Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 quy định một số chinh sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn…

Chỉ có 15% nước thải thu gom được xử lý

Tính từ năm 2000 đến nay, có cả một hệ thống 45 văn bản luật, dưới luật của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đến vấn đề cấp, thoát nước nhưng hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải luôn tồn tại có những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Kết quả triển khai hoạt động cấp nước đến thời điểm hiện nay, trung bình toàn quốc, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tăng từ 76% năm 2010 lên 92%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm 29% năm 2010 xuống còn 17%.

Khu vực nông thôn có hàng nghìn DN tư nhân tham gia đầu tư, vận hành công trình cấp nước với tổng số hơn 16.500 công trình, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 88,5%, trong đó có hơn 50% đạt QCVN 01:200/BYT, có khoảng 44% người dân nông thôn được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung.

Hầu hết UBND các tỉnh/thành phố điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch, giá bình quân từ 7.000-9.000 đồng/m3.

Hơn 40 văn bản luật, dưới luật quy định chính sách cấp, thoát nước
Ngập úng sau mưa tại TP Hà Nội. Nguồn ảnh: Internet.

Tỷ lệ thu gom nước thải toàn quốc đạt khoảng 64%, có khoảng 70% hộ gia đình đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị nhưng hầu hết nước thải xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt, chỉ có 15% tổng lượng nước thải thu gom được xử lý.

Tỷ lệ cống thoát nước trên đầu người thấp so với các đô thị trên thế giới. Trung bình dưới 0,5m/người so với thế giới là 2m/người. Mật độ kênh mương tại các đô thị dao động khá lớn từ 0,29-18km cống/km2 diện tích đô thị.

Tính đến tháng 12/2021 có 71 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị với tổng công suất thiết kế 1,4 triệu m3/ngày, công suất thực tế 670.000 m3/ngày.

Hiện có khoảng 80 dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị đang trong qúa trình thiết kế/thi công xây dựng với tổng công suất thiết kế gần 2,2 triệu m3/ngày. Tổng mức đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 1995-2021 hơn 3 tỷ USD.

Một số đô thị có nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng hoạt động chưa đạt công suất thiết kế do tỷ lệ đấu nối thoát nước từ các hộ gia đình thấp hoặc mạng lưới thu gom chưa được đầu tư đồng bộ, trung bình vận hành trên 50% công suất thiết kế.

Tính đến cuối tháng 9/2021 có 262/291 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 90% khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường với tổng công suất khoảng 1,2 triệu m3/ngày.

Tình trạng ngập úng xảy ra ở nhiều đô thị, đặc biệt là những đô thị lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… Ngày càng có nhiều dự án thoát nước lớn được đầu tư vào các đô thị này, trong đó có cả những dự án thoát nước đầu tư tại các đô thị: Hạ Long, Nha Trang, Quy Nhơn, Đồng Hới…

Các chuyên gia chỉ rõ một số nguyên nhân như: Thiếu quy định quản lý hoạt động cấp nước trong các luật hiện hành; Tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cấp nước chưa bảo đảm; Thiếu các quy định liên quan đến quản lý hoạt động cấp nước; Chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quản lý cấp nước giữa khu vực đô thị và nông thôn; Thiếu quy định quản lý hoạt động thoát nước trong các luật hiện hành; Tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thoát nước chưa cụ thể…

Từ thực trạng này đặt ra vấn đề cần thiết nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật điều chỉnh cấp, thoát nước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích