Hơn 236.452 tỷ đồng được huy động để phòng, chống dịch

Cơ bản thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát cho biết, công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.

Qua giám sát, trong 3 năm 2020 – 2022, tổng số tiền đã huy động để phòng, chống dịch là hơn 236.452 tỷ đồng. Số huy động từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 189.404 tỷ đồng, từ các nguồn khác hơn 47.000 tỷ đồng.

Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; tổng số vắc xin nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

Hơn 236.452 tỷ đồng được huy động để phòng, chống dịch
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội.

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ.

Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện…

Có tâm lý lo ngại, sợ sai

Bên cạnh đó, Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu tồn tại, hạn chế như hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch. Có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự. Vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ…

Hơn 236.452 tỷ đồng được huy động để phòng, chống dịch
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát, trong đó cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải hoàn thành trước 31/12/2023.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ băn khoăn khi nguyên nhân chính của những tồn tại là do hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát, chưa điều chỉnh hết các quan hệ tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉ rõ “khoảng trống pháp luật” và đề nghị đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm về đánh giá này, tránh tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát tối cao nên phải làm rõ được thực trạng, đánh giá kết quả, tồn tại, yếu kém; nguyên nhân khách quan, chủ quan. Giám sát phải gắn với trách nhiệm.

Nhắc đến hai sai phạm rất lớn là “chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các vụ việc này cũng không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, tuy nhiên báo cáo chưa thấy đề cập rõ. Liên quan đến hai vụ việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Đoàn giám sát bổ sung thông tin trong báo cáo để đáp ứng vấn đề cử tri quan tâm.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không; cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm. Đối với một số đề xuất giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ, vững chắc, cụ thể, đúng phạm vi giám sát, đúng thẩm quyền.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy bài học huy động nguồn lực đóng vai trò quan trọng. Do vậy, cần có kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tuyến đầu, có trình độ để định hướng và đưa ra phác đồ điều trị, chủ động phòng, chống nếu có dịch bệnh bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có đề án, chương trình cụ thể đảm bảo đủ nhân lực ở cơ sở để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tương lai…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết cần làm rõ các nội dung cần bổ sung, chuẩn xác số liệu, phân tích làm rõ hơn về tình hình, cơ sở chính trị, pháp lý, nhất là đối với kiến nghị phải đảm bảo thiết thực, khả thi, giải quyết được các yêu cầu công việc bức xúc trực tiếp đang đặt ra chưa giải quyết được…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích