Hơn 100 lãnh đạo thế giới cam kết bảo vệ ‘lá phổi của hành tinh’

Hơn 100 lãnh đạo thế giới cam kết bảo vệ ‘lá phổi của hành tinh’

MTĐT –  Thứ ba, 02/11/2021 15:04 (GMT+7)

Thủ tướng Anh Johnson nêu rõ: “Chúng ta sẽ có cơ hội chấm dứt lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, thay vào đó trở thành người trông coi và chăm sóc thiên nhiên.”

Hon 100 lanh dao the gioi cam ket bao ve 'la phoi cua hanh tinh' hinh anh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tối 1/11, hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập niên này, thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công-tư đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng.

Cam kết được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh).

Trong Tuyên bố về sử dụng rừng và đất, các lãnh đạo đại diện cho các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới đã thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng, trong đó 12 quốc gia đã cam kết đóng góp 12 tỷ USD quỹ công trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm những nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và ứng phó với cháy rừng.

Hơn 30 nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân, trong đó có Aviva (AV.L), Schroders (SDR.L) và AXA (AXAF.PA), cũng cam kết hỗ trợ thêm ít nhất 7,2 tỷ USD cho kế hoạch này.

Các nhà đầu tư này, sở hữu khối tài sản 8.700 tỷ USD, cũng cam kết ngừng đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng vào năm 2025.

Nhìn chung, thỏa thuận trên mở rộng đáng kể cam kết tương tự được 40 quốc gia đưa ra như một phần của Tuyên bố New York về Rừng năm 2014, và đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong việc bố trí các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó.

Đánh giá về thỏa thuận này, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ: “Chúng ta sẽ có cơ hội chấm dứt lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, thay vào đó trở thành người trông coi và chăm sóc thiên nhiên.”

Theo Viện Tài nguyên thế giới, những khu rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2. Các khu rừng lấy khí thải ra khỏi bầu khí quyển và ngăn khí thải khiến nhiệt độ Trái Đất ấm lên. Tuy nhiên, vùng đệm khí hậu tự nhiên này đang biến mất nhanh chóng.

Theo chương trình theo dõi nạn phá rừng Global Forest Watch, thế giới đã mất 258.000 km2 rừng trong năm 2020.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết một số khu vực của rừng nhiệt đới Amazon đã biến đổi từ một “bồn rửa carbon” thành nguồn thải CO2 nghiêm trọng do nạn phá rừng và suy giảm độ ẩm trong khu vực.

Hội nghị COP26, diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11 tại Glasgow, được kỳ vọng là cơ hội để đoàn kết thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết khống chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nhà khoa học cho biết rừng và những giải pháp dựa trên tự nhiên sẽ là yếu tố sống còn để đạt được mục tiêu đó.

Báo cáo thường niên của WMO về tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2021 cho thấy mức tăng của mực nước biển trung bình là 2,1mm trong giai đoạn 1993-2000 đã tăng lên thành 4,4mm mỗi năm trong giai đoạn 2013-2021, phần lớn do các sông băng và tảng băng tan chảy. Trong khi đó, năm 2021 có khả năng thành năm tiếp theo trong 7 năm liên tiếp nóng nhất được ghi nhận./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích