Hôm nay 5/9: Gần 2,3 triệu học sinh Thủ đô bước vào năm học mới

Háo hức, hân hoan

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”… Mới đó đã hơn 80 năm trôi qua, tác phẩm “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh ra đời đã ghi lại cảm xúc chộn rộn, bâng khuâng trong niềm vui, sự háo hức xen lẫn hồi hộp, lo lắng của cậu học trò nhỏ trong ngày tựu trường. Đó không chỉ là cảm nhận của riêng một đứa trẻ mà là cảm xúc chung của tất cả thế hệ đã và đang là học sinh trong mùa khai trường.

Hôm nay 5/9: Gần 2,3 triệu học sinh Thủ đô bước vào năm học mới
Ngành GD&ĐT Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cấp hệ thống trường lớp tới nâng cao chất lượng dạy và học.

Hòa chung trong không khí tươi vui đón chào năm học mới trên mọi miền Tổ quốc, thầy trò Thủ đô cũng đã sẵn sàng. Mọi công tác chuẩn bị cho Lễ khai giảng tại các nhà trường đã hoàn tất từ vài ngày trước. Cờ, hoa, biểu ngữ được trang trí khắp nơi từ cổng trường vào trong sân. Ghế đá, hàng cây, vườn hoa được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, cắt tỉa gọn gàng.Các phần việc từ phân công giáo viên, xếp lớp đến chuẩn bị cơ sở vật chất và các nhiệm vụ cho Lễ khai giảng đều đã được các nhà trường có kế hoạch, chủ động thực hiện từ rất sớm.

Mấy hôm nay, bạn nhỏ Phạm Quỳnh Chi (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) chỉ mong nhanh chóng đến khai giảng để ngày nào cũng được đến lớp. Năm nay là thời điểm Quỳnh Chi tạm biệt “búp bê” cùng “gấu Misa”, “thỏ trắng” để bước vào lớp 1. Háo hức với góc học tập mới được bố mẹ chuẩn bị, nâng niu từng cuốn vở tập tô, chiếc bút chì, hộp màu… và cất gọn đồ chơi là những hành động dễ dàng nhận thấy của cô học trò nhỏ. “Đại học chữ to” – mọi người nói thế, Quỳnh Chi không biết là thật hay đùa nhưng đi học lớp 1 là phải “người lớn hơn, ngoan hơn” như lời ông bà, bố mẹ dặn. “Thấy con ngày nào cũng háo hức, mong chờ được đến lớp, cả nhà tôi ai cũng vui lây. Tự tay chuẩn bị đồ dùng học tập, quần áo cho con gái nhỏ vào lớp 1, rồi thấy bé ngơ ngác, bỡ ngỡ trước cảnh lạ, trường mới… mà tôi cứ ngỡ như mình của những ngày ấu thơ…”, chị Nguyễn Thị Hồng (mẹ Quỳnh Chi) chia sẻ.

Vốn là người chỉn chu nên hầu như năm học nào chị cũng chuẩn bị sách vở, đồ dùng…cho con từ rất sớm. Năm nay, con lớn của chị vào lớp 6, còn con nhỏ thì vào lớp 1. Dù đã sắm sửa tươm tất cho các con từ hơn nửa tháng qua nhưng trong kỳ nghỉ lễ, chị vẫn tranh thủ kiểm tra thật kỹ mọi thứ một lần nữa, rồi nhanh chóng bổ sung thêm các vật dụng còn thiếu, đặc biệt là sắm thêm hai đôi giày mới để các con tự tin đến trường trong ngày khai giảng.

Năm học mới đã đến, mở ra quyết tâm mới, hứa hẹn nhiều thành công mới trong mỗi học sinh. Năm học này cũng là năm học đầu tiên có lứa học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới về số môn thi, cấu trúc đề thi. “Em sẽ dành toàn bộ thời gian và quyết tâm để phục vụ việc học tập với hy vọng chuẩn bị sẵn sàng để tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông”, Trần Nguyễn Thái An (học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) bày tỏ.

Khí thế mới, quyết tâm mới

Những năm học gần đây, niềm vui ngày khai giảng càng trở nên trọn vẹn hơn và trở thành “Ngày hội” bởi được đồng nhất tổ chức. Thông điệp “lấy học sinh là trung tâm” được thực hiện, lan tỏa ngay chính trong buổi lễ thiêng liêng ấy. Phần nghi lễ, khánh tiết được thực hiện trang trọng nhưng ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho học sinh tham gia các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian… nhằm tạo nguồn hứng khởi, năng lượng và để lại ấn tượng khó phai trong lòng mỗi cô, cậu học trò.

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả quan trọng mà ngành GD&ĐT Thủ đô đạt được trong năm học vừa qua, tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, với tinh thần coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, Thành ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân Thành phố luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội tập trung bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Thành ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân Thành phố để triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới; cùng với việc phát triển quy mô, tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội tích cực, chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về cơ chế chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT theo hướng bảo đảm tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về phát triển GD&ĐT nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế…

Phạm Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích