Hội thảo phổ biến kiến thức bài giảng đại chúng “Trí tuệ nhân tạo, vật lý- ứng dụng”

Hội thảo phổ biến kiến thức bài giảng đại chúng “Trí tuệ nhân tạo, vật lý- ứng dụng”

Ngày 20/9/2024, tại Hà Nội, Hội Vật lý Việt Nam, Viện Vật lý và Trung tâm Thông tin – Tư liệu phối hợp tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức Bài giảng đại chúng “Trí tuệ nhân tạo, Vật lý – Ứng dụng”.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Đinh Văn Trung – Viện trưởng Viện Vật lý, bà Nguyễn Thị Vân Nga – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình – Phó Viện trưởng Viện Vật lý, GS.TS. Nguyễn Đại Hưng – nguyên Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam cùng các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sinh viên một số trường đại học tại Hà Nội.

Diễn giả của Hội thảo là PGS.TS. Nguyễn Ái Việt (Đại học Quốc gia Hà Nội) và PGS.TS. Phạm Hồng Dương (Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Sự kiện diễn ra tại Viện Vật lý, phát trực tiếp trên Facebook Bản tin Khoa học Công nghệ (Trung tâm Thông tin – Tư liệu), Facebook Hội Vật lý Việt Nam và trực tuyến qua Zoom, thu hút hàng nghìn người theo dõi.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đinh Văn Trung cho biết, trong những năm qua, Viện Vật lý, Viện Toán học, Trung tâm Thông tin – Tư liệu và Hội Vật lý Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều bài giảng đại chúng về các chủ đề khác nhau nhằm phổ biến kiến thức khoa học công nghệ cho công chúng. Với chủ đề mang tính thời sự và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, Bài giảng đại chúng “Trí tuệ nhân tạo, Vật lý – Ứng dụng” không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn mở ra những hướng đi mới, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và vật lý để thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ.

AI và vật lý: Mở ra sự phát triển đột phá

Trong bài giảng “Trí tuệ nhân tạo, Vật lý và Tương lai”, PGS.TS. Nguyễn Ái Việt đã mang đến cái nhìn toàn diện về sự kết hợp giữa AI và vật lý. Ông bắt đầu bằng cách giải thích những khái niệm cốt lõi của trí tuệ nhân tạo như Generative AI, Machine Learning (ML), Artificial Neural Network (ANN), Deep Learning (DL) và Large Language Model (LLM). Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính toán lượng tử và mạng Hopfield trong việc phát triển các mô hình AI. AI không chỉ giúp phân tích dữ liệu, tối ưu hóa mô phỏng, cải thiện tốc độ nghiên cứu mà còn thay đổi quy trình nghiên cứu, giúp phát hiện các hiện tượng vật lý mới theo một cách tiệm cận chưa từng có.

tm-img-alt
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt trình bày bài giảng “Trí tuệ nhân tạo, Vật lý và Tương lai”

AI được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như chẩn đoán y tế, phân tích tài chính, tư vấn luật, điều khiển giao thông và trợ lý ảo. Hiện nay, AI có khả năng tư duy, cụ thể là giải quyết vấn đề (tối ưu, nhận dạng mẫu, dự báo, quyết định, xử lý ngôn ngữ), tư duy phê phán (phân tích, so sánh các góc nhìn, dự đoán kết quả, thẩm vấn, kiểm tra bằng chứng, tối ưu hóa quyết định), giải toán (chứng minh tự động, kiểm tra chứng minh, mô hình hóa, giải các bài toán IMO, tính toán ký hiệu, môi trường hợp tác AI), nghiên cứu khoa học (mô hình hóa, phân tích dữ liệu lớn, phát hiện quy luật, mô phỏng thực nghiệm).

Theo PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, AI sẽ đem lại giá trị lớn cho vật lý trong việc thiết kế vật liệu mới, như vật liệu cho pin và vật liệu nano. Các công nghệ vật lý như thủy tinh spin đã được áp dụng trong các mạng thần kinh nhân tạo sẽ tối ưu hóa việc xử lý thông tin và lưu trữ trí nhớ. AI và vật lý lượng tử phối hợp để tăng cường khả năng xử lý các bài toán phức tạp mà các hệ thống cổ điển không giải quyết được, sẽ là bước phát triển đột phá. Vật lý cũng đóng góp vào sự phát triển của AI thông qua Memristor, tạo ra các mạng nơ-ron nhân tạo phần cứng, giúp AI trở nên hiệu quả và gần gũi hơn với não bộ con người. Ông kết luận rằng, việc tích hợp AI vào giảng dạy vật lý là cần thiết để tạo ra một thế hệ nhà khoa học liên ngành, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của tương lai.

Khám phá ranh giới AI trong thiết kế chiếu sáng và nhận thức thị giác

Trong bài giảng “Khám phá ranh giới trí tuệ nhân tạo trong thiết kế chiếu sáng và nhận thức thị giác”, PGS.TS. Phạm Hồng Dương đã chia sẻ về hành trình kết hợp AI như ChatGPT, MidJourney và Gemini, từ các phiên bản đầu tiên cho đến hiện tại, vào thực tiễn nghiên cứu của mình, đặc biệt là trong thiết kế hệ thống chiếu sáng và đo lường thị lực.

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Dương, một trong những thách thức chính là làm quen với các ngôn ngữ đa dạng của AI – dù là nhập liệu bằng lời nói, hình ảnh hay dữ liệu. Quá trình này đòi hỏi sự hiểu biết tiến bộ khi cả AI và tác giả đều phải thích nghi với phong cách giao tiếp và khả năng của nhau.

tm-img-alt
PGS.TS. Phạm Hồng Dương trình bày bài giảng “Khám phá ranh giới trí tuệ nhân tạo trong thiết kế chiếu sáng và nhận thức thị giác”

Mặc dù ban đầu gặp phải những khó khăn, sự hợp tác này đã dẫn đến những kết quả đáng kể: năm bản thảo trong đó có ba bài báo đã xuất bản và hai bài đang được xem xét. Công việc của tác giả bao gồm thiết kế đèn LED, chiếu sáng tập trung vào con người (HCL), chiếu sáng để đo lường thị lực (VA) và nghệ thuật thiết kế tranh quảng cáo. Ngoài ra, AI còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các bài giảng phổ biến và các tác phẩm nghệ thuật, cho thấy sự đa dạng và tác động của nó. AI không chỉ nâng cao sự sáng tạo và tối ưu hóa quá trình nghiên cứu mà còn thúc đẩy mối quan hệ đối tác sâu sắc và ngày càng phát triển.

Sự kiện không chỉ mang lại cái nhìn sâu rộng về AI mà còn nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của vật lý trong việc phát triển AI. Cả hai bài giảng của PGS.TS. Nguyễn Ái Việt và PGS.TS. Phạm Hồng Dương đều chứng minh rằng sự kết hợp giữa AI và vật lý có thể tạo ra những bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, AI sẽ tiếp tục giúp tối ưu hóa các quy trình khoa học, đồng thời vật lý sẽ đóng vai trò làm nền tảng để phát triển những ứng dụng AI thông minh.

tm-img-alt
Toàn cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã có những trao đổi mở về vấn đề đạo đức khi ứng dụng AI, cách gia tăng dữ liệu để tận dụng sức mạnh của AI trong nghiên cứu khoa học. Theo PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, ngành khoa học nào có nhiều chuyên gia, nhà khoa học sử dụng AI thì dữ liệu của ngành đó sẽ thúc đẩy AI tiến bộ rất nhanh.

GS.TS. Nguyễn Đại Hưng nhận định, nội dung của hai bài giảng tại Hội thảo đã nêu ra những vấn đề mới và lớn của AI nói chung, AI ứng dụng trong vật lý nói riêng. Do đó, để tiếp tục làm rõ hơn các chủ đề này, sắp tới, Hội Vật lý Việt Nam và Trung tâm Thông tin – Tư liệu sẽ phối hợp tổ chức thêm các bài giảng đại chúng, nhằm tiếp tục mang tới cho công chúng những thông tin, kiến thức hữu ích.

PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 23 năm kinh nghiệm làm việc tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông chuyên về Vật lý lý thuyết và Công nghệ thông tin, đặc biệt là xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học thống kê và dịch máy. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, ông từng giữ cương vị Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Công nghệ thông tin & Truyền thông; Tổ trưởng Tổ đàm phán bản quyền phần mềm Việt Nam-Microsoft; Trưởng ban Chuẩn bị Dự án Internet Cộng đồng; Thành viên Đại diện của Việt Nam tại Ban soạn thảo Kiến trúc Chính phủ Điện tử của UNDP.

Trong lĩnh vực công nghệ, ông đã tư vấn và phát triển các hệ thống Chính phủ Điện tử, tác giả Kiến trúc Tương hợp Chính phủ Điện tử ITI, các giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng trí tuệ nhân tạo, an toàn an ninh mạng và các hệ thống quản lý viễn thông. Hiện nay, ông là thành viên nhóm Thinktank VINASA, chuyên nghiên cứu Chính sách Khoa học công nghệ, Chuyển đổi số và mô hình Giáo dục tương lai. Ông là đồng tác giả cuốn sách “Việt Nam thời chuyển đổi số”, tác giả của “Kế hoạch Ba Đình về phát triển Khoa học Công nghệ Việt Nam đến năm 2045”, Mô hình Giáo dục Hướng Dương, Chương trình đào tạo tài năng Tân Tinh Việt VIENOVA.

PGS.TS. Phạm Hồng Dương, chuyên gia về Vật lý bán dẫn và Công nghệ Nano, đã nghiên cứu sâu rộng về thiết bị đo thị lực, thiết kế nguồn sáng LED, chiếu sáng HCL và công nghệ hiển thị 3D. Ông sở hữu 20 Sáng chế, Giải pháp hữu ích và 18 bài báo quốc tế, đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực công nghệ và khoa học như Đồng tác giả Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005) và Giải nhì VIFOTEC về Công nghệ và Thiết bị chiếu phim 3D (2014).

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích