Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”

Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”

Ngày 22.12, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Báo ĐBND

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc quản lý, xử lý chất thải rắn cần lựa chọn công nghệ phù hợp, nhà đầu tư phù hợp cho từng địa phương với địa bàn cụ thể. Sự lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường; không có công nghệ nào được xem là duy nhất, là tối ưu nhất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, công nghệ là tiêu chí quan trọng nhất để xử lý chất thải rắn hiệu quả. Tuy nhiên, không phải cứ áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại nhất của nước ngoài là phù hợp bởi đặc thù chất thải rắn chưa qua phân loại tại Việt Nam rất khác biệt. Cần tùy theo đặc thù của từng địa phương để lựa chọn công nghệ phù hợp nhằm đảm bảo tính bền vững và tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Đồng tình với nhận định này, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Đặng Đình Tùng cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng miền, địa phương. Đặc biệt là với chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… Do đó, công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp.

Nhiều địa phương dù lượng chất thải phải xử lý không lớn nhưng suất đầu tư vào công nghệ quá lớn, không phù hợp với tình hình thực tiễn. Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Quang Huân lấy ví dụ thực tế như công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng chỉ nên áp dụng cho các địa phương có lượng rác cần đốt trên 500 tấn/ngày, dưới công suất này sẽ trở nên lãng phí và tốn kém. Tuy nhiên, rất nhiều tỉnh đầu tư công nghệ này như các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển chất thải chưa đồng bộ dẫn đến việc khi áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài không đạt được các mục tiêu về kỹ thuật lẫn kinh tế, không hiệu quả.

Ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội nhấn mạnh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng tiến bộ nhưng chưa phải tối ưu nhất. Việc quy hoạch, công nghệ xử lý chát thải rắn phải tính đến dư địa cho ứng dụng như công nghệ sinh học.

Tư duy quản lý chất thải rắn có nhiều thay đổi, từ “tiêu hủy” đến “quản lý” rồi “quản lý tổng hợp”, từ “chất thải’ đến “coi chất thải là tài nguyên”, từ nền “kinh tế tuyến tính” sang “nền kinh tế tuần hoàn”. Trong đó các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường.

Các đại biểu tại Hội thảo khẳng định, có rất nhiều quốc gia đã sử dụng chất thải rắn để làm nhiên liệu sản xuất một số ngành với tỷ lệ lên tới 50%. Vấn đề là phải có chính sách, cơ chế tài chính ưu đãi cơ cho các doanh nghiệp, đơn vị đi đầu trong hoạt động thu gom và tái chế chất thải rắn. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco cho rằng, sản xuất từ nguyên liệu tái chế thường sẽ đắt hơn từ nguyên liệu nguyên sinh, nguyên liệu thông thường. Những sản phẩm tái chế nếu cạnh tranh với hàng hóa thông thường là vô cùng khó. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần xác nhận đó là sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh và khuyến khích tiêu dùng.

Ông Tiến đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định cụ thể nhằm hỗ trợ các sản phẩm tái chế có thể cạnh tranh trong thị trường. Khi những sản phẩm này tạo được chỗ đứng thì dừng hỗ trợ, để dành nguồn lực cho những sản phẩm mới khác, khi đưa ra thị trường còn khó tiếp cận.

Từ những dự án thực tiễn đã tham gia, ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, rác thải nhựa phân hủy sinh học không thể cạnh tranh được với rác thải nhựa không phân hủy vì giá thành cao, vì vậy phải có giải pháp tài chính, cơ chế chính sách cụ đánh thuế nhựa không phân hủy để bảo vệ môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia đã thành công trong việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng loại các chất thải, phụ phẩm, phế phẩm, xem đây là biện pháp tiết kiệm và bảo vệ môi trường hiệu quả. Chất thải được tái chế không chỉ góp phần giảm nguyên liệu đầu vào mà còn hạn chế phát thải đầu ra.

Ngọc Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích