Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong”
Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong”
Ngày 7/6, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong”.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật nghiên cứu những vấn đề pháp lý xoay quanh việc khai thác và phát triển trong khu vực sông Mekong. Những chuyên gia này đến từ những cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM cho biết, với sự phát triển kinh tế nhanh trong khu vực sông MeKong đã gây ra những tác động đến môi trường, nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của người dân khu vực. Bên cạnh đó, sự khác biệt của các quốc gia khu vực sông MeKong về chính sách khai thác nguồn tài nguyên nước đã đặt ra nhiều thách thức không chỉ về mặt pháp lý mà còn trên lĩnh vực chính trị và ngoại giao khu vực. Chính vì vậy, việc tìm ra các biện pháp phát triển bền vững và cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở tiểu vùng sông MeKong là vấn đề cấp bách và quan trọng…
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Tư pháp nhấn mạnh ba từ khóa quan trọng: hợp lý, công bằng, bền vững trong việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp phát triển bền vững tại tiểu vùng sông MeKong trước nhiều thách thức về sự khai thác không hợp lý nguồn tài nguyên và vấn đề an ninh vùng sông nước MeKong. TS. Nguyễn Hữu Huyên nhận định Hội thảo có ý nghĩa rất lớn và hy vọng các kết quả đạt được sẽ góp phần cải thiện chính sách nhằm bảo vệ lợi ích của người dân khu vực sông MeKong.
Tham luận về vấn đề: Phát triển bền vững tiểu vùng sông MeKong theo quy định của Luật quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu, GS.TS. Nguyễn Hồng Thao, Thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế Liên Hợp quốc, đã đưa ra khung pháp lý quốc tế và khu vực về phát triển bền vững và đối phó với biến đổi khí hậu tại tiểu vùng sông MeKong; đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc phát triển bền vững an toàn hiệu quả và không được ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác.
Trình bày về việc áp dụng khung pháp lý về nguồn nước quốc tế cho lưu vực sông MeKong, GS.TS. Nguyễn Hồng Thao cũng đã chỉ ra những bất cập lớn như Hiệp định MeKong không quy định một cách đầy đủ các nguyên tắc sử dụng công bằng và không có cơ chế giải quyết khi xảy ra các tranh chấp,…
Tham luận về “Thách thức biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long: Chiến lược quản lý tài nguyên nước và bảo vệ sự bền vững của cộng đồng”, PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí, Viện Trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ đặt ra vấn đề về lũ lụt, nước biển dâng cao tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã dẫn đến nhiều hậu quả cho người dân khu vực. Từ đó, PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí đưa ra các giải pháp như cần khung nghiên cứu mang tính tổng thể để giải quyết vấn đề phức tạp từ các cơ quan có thẩm quyền Trung ương đến địa phương, các biện pháp gắn liền giữa tự nhiên với phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, cần chủ động liên kết quốc tế để giải quyết vấn đề của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ góc nhìn thực tiễn của tỉnh Hậu Giang, tham luận về “Vận dụng chính sách, pháp luật để chuyển đổi sinh kế cho nông dân tại đồng bằng Sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”, Ths. Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, xoay quanh 4 nội dung: thực trạng, nhận diện những khó khăn, chính sách pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp bao gồm các văn bản được ban hành cũng như những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và một số kiến nghị nhằm đảm bảo hiệu quả việc chuyển đổi sinh kế cho nông dân tại đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, Ths. Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng cần nhanh chóng vận dụng các quy định mới của Luật Đất đai 2024; cần có đánh giá tác động, quy hoạch chính sách, xây dựng các chính sách phù hợp, đồng bộ; nâng cao nhận thức năng lực cho nông dân,…
Ngoài ra, hội thảo còn có các phiên thảo luận: Phiên thứ hai về “Khai thác tài nguyên nước trên sông Mekong”; và Phiên thứ ba về “Đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế, đầu tư, bảo đảm quyền con người nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mekong” cũng được được trình bày và thảo luận trong cùng ngày.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị