Hội thảo khoa học quốc gia ‘An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia’

Tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia”, về phía các Bộ, Ban, Ngành Trung ương có: PGS. TS. Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía Hội đồng Lý luận Trung ương có: GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

Về phía Ngành Cơ yếu Việt Nam có: Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; Đại tá, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã và các đồng chí trong Ban lãnh đạo Học viện; cùng các đại biểu là đại diện Lãnh đạo Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu, Cục Viễn thông và cơ yếu/Bộ Công an, Cục Cơ yếu – Công nghệ thông tin/Bộ Ngoại giao, Cục Cơ yếu Đảng – Chính quyền và các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có: PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện; PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; PGS. TS. Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo gồm: GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm Đề tài KX04-32/21-25. 

Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo: GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ và PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm Đề tài KX04-32/21-25.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ gần 30 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và trên 50 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành hiện diện tại Hội thảo gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin & Truyền thông và một số cơ quan thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo và các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Tư lệnh 86 – Bộ Quốc phòng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục An ninh nội địa –  Bộ Công an, Cục An ninh mạng Quốc gia, Trung tâm Công nghệ thông tin – Văn phòng Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường Đại học, Học viện khác.

Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ và Cục Cơ yếu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Ban; Ban Giám đốc, các Phòng, Khoa chuyên môn, các nhà khoa học, chuyên gia thuộc Học viện Kỹ thuật mật mã; các Hiệp hội, công ty hoạt động trong lĩnh vực An toàn thông tin, An ninh mạng. 

 Hội thảo có sự tham dự của trên 300 đại biểu đến từ gần 30 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và trên 50 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định: Thời gian qua, công tác đảm đảm an ninh quốc gia dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đã đạt được những thành tựu quan trọng, giúp phòng ngừa và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động… Tuy nhiên, với tình hình quốc tế và trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, việc đảm đảm an ninh quốc gia là yêu cầu để đảm đảm hòa bình, phát triển đất nước.

Với việc xem không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” thì bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội của các quốc gia.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm Đề tài KX04-32/21-25 cho biết, Hội thảo là nhiệm vụ quốc gia, thuộc Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia”, mã số KX.04.32/21-25, thuộc Chương trình Nghiên cứu Khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 của Hội đồng Lý luận Trung ương, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì.

PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh: Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2022, Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 08 triệu cảnh báo, dấu hiệu hoạt động tấn công mạng. Hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội.

Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin trọng yếu của an ninh quốc gia nhằm phá hoại cơ sở dữ liệu, gây gián đoạn hoặc chiếm quyền điều khiển diễn ra thường xuyên hơn. Vấn đề ANM đang đòi hỏi phải tiếp tục được nhận diện, luận giải, phân tích những điểm mới về mặt lý luận và thực tiễn, tìm kiếm phương châm, kế sách, giải pháp từ góc độ mật mã, góc độ quản trị để phòng ngừa, ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, điều kiện mới.

Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang bày tỏ mong muốn, Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ, trao đổi của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học để Ban Chủ nhiệm đề tài có thêm những luận cứ, dữ liệu quý báu, chắt lọc được những nội dung tinh túy nhất về vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia, làm tư liệu chuẩn bị cho Văn kiện Đại hội XIV của Đảng sắp tới.

 PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm Đề tài KX04-32/21-25 phát biểu đề dẫn Hội thảo.

 Hội thảo nhận được hơn 30 tham luận, báo cáo khoa học của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo.

Tại phiên trực tiếp, Hội thảo đã nghe các tham luận tiêu biểu, gồm: “Bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng hiện nay” của PGS. TS. Lê Hải Bình, Uỷ viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; “Mật mã trong nền an ninh Quốc gia” của TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã – Ban Cơ yếu Chính phủ; “Hợp tác quốc tế và khu vực trong phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng” của Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; “Một số vấn đề đặt ra trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” của Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Tùng Hưng, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh 86 – Bộ Quốc phòng; “Xu hướng tấn công mạng và giải pháp” của PGS. TS. Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông; “Đảm bảo an ninh mạng cho các trung tâm dữ liệu” của ông Trương Đức Lượng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC);

“Dự báo tình hình, yếu tố tác động đến việc phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ về an ninh mạng trong thời gian tới” của ông Khổng Huy Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS); “Quan điểm và tư duy quản trị an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới” của ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tham luận tại Hội thảo, PGS. TS. Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng đã mang lại những lợi ích to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đem lại thành tựu vượt bậc cho nhân loại. Tuy nhiên, với tính toàn cầu, khả năng kết nối vô hạn và tính chất phức tạp của không gian mạng đã đặt ra những thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới như: chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, khủng bố mạng, tội phạm mạng, bảo đảm an ninh tư tưởng trên không gian mạng… Vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm, được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Với tham luận “Mật mã trong nền an ninh quốc gia”, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã khẳng định, mật mã đóng vai trò quan trọng trong nền an ninh quốc gia. Chính sách quản lý mật mã của quốc gia trên thế giới đều xác định mật mã là công cụ, phương tiện, vũ khí đặc biệt để bảo vệ thông tin cơ mật, trọng yếu.

Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Ban Cơ yếu Chính phủ và Ngành Cơ yếu Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển mật mã thông qua hàng loại chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật đã được ban hành.

Trong tham luận của mình, Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã nêu một số định hướng giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó, xử lý các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm an ninh mạng như: Nâng cao nhận thức về an ninh thông tin, an ninh mạng và bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng; Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; Chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho học sinh, sinh viên về các nguy cơ, các yếu tố gây mất an ninh, đe dọa gây mất an ninh thông tin; Nghiên cứu xác lập chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian thông tin quốc tế; Bảo vệ và khai thác có hiệu quả tài nguyên thông tin quốc gia.

Tham luận tại Hội thảo, Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Tùng Hưng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng như: Tăng cường tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý, bảo vệ không gian mạng quốc gia; Xây dựng phát triển không gian mạng quốc gia hiện đại, an toàn, lành mạnh, rộng khắp nhằm tạo động lực cho công cuộc chuyển đổi số, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong mọi tình huống;…

Về “Xu hướng tấn công mạng và giải pháp”, PGS. TS. Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh đến sức mạnh của AI. Theo ông, AI có thế mạnh phân tích lỗ hổng bảo mật; tự động sinh mã độc, tấn công tự động, liên tục, dai dẳng; tự thích nghi để tránh bị phát hiện; tự động sản xuất nội dung…

Cũng trong tham luận, PGS. TS. Trần Quang Anh đã đưa ra giải pháp về chính sách đào tạo bồi dưỡng; chính sách phát triển nên tảng, công nghệ lõi; chính sách make in Vietnam, trong đó, cần chú trọng trong đào tạo đội ngũ kỹ thuật chất lượng cao và nâng cao nhận thức cho người dùng cuối.

Trong tham luận “Đảm bảo an ninh cho Trung tâm dữ liệu”, ông Trương Đức Lượng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) nêu bật thực trạng rủi ro an ninh mạng và biện pháp đảm bảo an ninh mạng. Theo ông Lượng, rủi ro lớn nhất của Trung tâm dữ liệu trong đảm bảo an ninh mạng là dữ liệu của khách hàng bị can thiệp trái phép; hệ thống Trung tâm dữ liệu bị can thiệp trái phép; nội dung dữ liệu vi phạm quy định pháp luật.

Ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) đã cung cấp những số liệu về an toàn thông tin khu vực, an toàn thông tin Việt Nam, đồng thời, chỉ ra những thách thức và đe dọa đến an ninh mạng trong phát biểu tham luận “Dữ báo tình hình, yếu tố tác động đến việc phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ về an ninh mạng trong thời gian tới”.

Kết thúc phần tham luận Hội thảo, ông Trần Đăng Khoa, Cục Phó Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày về chủ đề: “Thực trạng quản trị an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra trong quá trình quản trị an ninh mạng”. Ngoài việc nêu bật thực trạng không gian mạng, thực trạng an toàn, an ninh mạng ở Việt Nam, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, quan điểm và tư duy quản trị an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới, ông Khoa còn nhấn mạnh, an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số. Để Việt Nam tự chủ về an toàn, an ninh mạng, thì cần phải làm chủ công nghệ, giải pháp và phát triển đội ngũ chuyên gia xuất sắc về an toàn, an ninh mạng.

Cuối cùng, trong phần Tổng kết Hội thảo, GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương thay mặt Ban Tổ chức gửi lời cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Học viện, doanh nghiệp… đã đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm qua những báo cáo, phát biểu tại Hội thảo.

GS. TS. Tạ Ngọc Tấn khẳng định Hội thảo thành công tốt đẹp. Hội thảo đã đưa ra giải pháp tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau như: nhận thức, tư tưởng; chính sách, thể chế, hành lang pháp lý; nguồn lực con người, nguồn lực công nghệ; hợp tác quốc tế; biện pháp trong lãnh đạo, quản lý, quản trị an ninh mạng đảm bảo tính hệ thống…  Ban Tổ chức Hội thảo sẽ chắt lọc những ý kiến, báo cáo của các đại biểu để phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị đang đặt ra hiện nay.

Lê Hằng – Mai Nghiêm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích