Hội thảo giải pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp

Tham dự buổi hội thảo có PGS-TS Lê Văn Truyền – Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế – Chủ tịch hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc; ông Trần Văn Dũng – phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường-Tổng Cục quản lý thị trường; PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; ông Ngô Văn Nhơn – Chủ tịch Hội Chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh; ông Phạm Văn Thọ – Giám đốc CN Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; cùng các khách mời và các doanh nghiệp tham dự.

ông Phạm Văn Thọ - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc. 
ông Phạm Văn Thọ – Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc. 

Theo đó, trước những thách thức và rủi ro về vấn nạn thuốc giả, thực phẩm và thực phẩm sức khỏe… hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, ở đó các kênh phân phối “phi chính thức phát triển rất mạnh và không an toàn, thách thức đối với tất cả các quốc gia, càng nghiêm trọng với sự phát triển các “hiệu thuốc trực tuyến” giả mạo, thường bán thuốc giả, thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng với giá rẻ.

Người tiêu dùng nhiều khi cũng không nhận thức được và không quan tâm đến hậu quả nghiêm trọng khi mua trực tuyến và sử dụng thuốc và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc kém chất lượng. Sự thiếu hụt và khan hiếm dược phẩm và trang thiết bị, dụng cụ y tế còn trầm trọng hơn do tâm lý mua sắm hoảng loạn trong đại dịch. Người tiêu dùng tích trữ thuốc men, sản phẩm bảo vệ sức khỏe quá mức cần thiết, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh mạn tính như: Cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần…

Ở Việt Nam, ngoài dược phẩm, thị trường sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình các bệnh mạn tính, do tuổi thọ tăng, do thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh. Sức hút của thị trường làm cho số nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng vọt. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch SARS-CoV-2, đã bùng nổ tình trạng kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box…, chuyển hàng qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển…

Với hình thức này người kinh doanh không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng và an toàn. Việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn qua điện thoại và sử dụng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng (chuyên gia y dược, nghệ sĩ…) để quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm cũng bùng nổ theo sự phát triển công nghệ nghe – nhìn và phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp khoa học – công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo…

Để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc và thực phẩm chức năng nắm vững các quy trình đăng ký của doanh nghiệp, sự quản lý của nhà nước và các quy định xử lý khi doanh nghiệp không thực hiện đúng quy trình, quy định của nhà nước, Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi hội thảo “Thuốc – Thực phẩm chứng năng – giải pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam chia sẻ tại buổi Hội thảo.
Ông Nguyễn Đăng Sinh – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam chia sẻ tại buổi Hội thảo.

Tại buổi hội thảo các doanh nghiệp được nghe nhiều ý kiến của chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực như: Một số quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; các bài tham luận về tác hại của thuốc giả, quy trình kiểm tra, xử lý hàng nhái, hàng giả, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào giải pháp an toàn thực phẩm và dược phẩm.

Bên cạnh đó, Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu các giải pháp chống giả như: Giải pháp chống giả ACT và giải pháp chống giả Truedata. Nhằm để doanh nghiệp áp dụng cho việc bảo vệ sản phẩm của mình làm ra không bị làm giả và sự đồng hành của các cơ quan quản lý khi phát hiện hàng hóa của doanh nghiệp bị làm giả và sự trao đổi giữa doanh nghiệp và các chuyên gia nhằm làm sáng tỏ những thắc mắc của doanh nghiệp.

Nội dung các chuyên gia đã trình bày và thảo luận tại hội thảo lần này sẽ bổ sung cho doanh nghiệp thêm nhiều kiến thức hữu ích trong quản lý, điều hành cũng như cách thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình khi giới tội phạm buôn lậu và hàng giả, với lợi nhuận kếch xù của các hoạt động này, không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, đặc biệt là thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm. Nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng./.

Chi nhánh Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (ACT-HCM) có các chức năng và nhiệm vụ cụ thể: In và cung cấp cho doanh nghiệp các loại tem công nghệ cao; nghiên cứu, cung cấp các giải pháp giám định, giám sát, để phân biệt hàng thật, hàng giả; cung cấp các dịch vụ chống hàng giả, hàng nhái, hỗ trợ dịch vụ bản quyền tác giả tác phẩm, sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch sản phẩm; tổ chức các hoạt động dịch vụ, truyền thông, tổ chức sự kiện, hội thảo, đào tạo nguồn nhân lực quản lý và thực hành cho doanh nghiệp; quảng bá doanh nghiệp trên website, trang thông tin điện tử và các báo đài liên quan; thực hiện quy trình áp dụng, ứng dụng công nghệ chống hàng giả trên sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; phối hợp các cơ quan ban ngành hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hàng giả bảo vệ thương hiệu.  

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích