Hội quán Quảng Đông – Nơi lưu giữ ký ức người Hoa trong lòng Hà Nội
(Xây dựng) – Được ví như viên ngọc giấu kín nằm ngay giữa lòng phố cổ, Hội quán Quảng Đông mới được phục dựng là một quần thể kiến trúc cổ kính, độc đáo, thể hiện nỗ lực bảo tồn di tích văn hóa có giá trị quan trọng của Hà Nội.
Hội quán Quảng Đông. |
Bề dày lịch sử
Di tích Hội quán Quảng Đông tại 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong hai Hội quán còn tồn tại trong khu phố cổ Hà Nội. Được hình thành từ khoảng 400 năm trước, Hội quán Quảng Đông từng là từng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng quan trọng cho người gốc Hoa, và là điểm giao dịch, thỏa thuận buôn bán và phân xử tranh chấp thương mại. Hội quán Quảng Đông cũng lưu giữ ký ức của con phố Hàng Buồm. Tại đây, bạn sẽ được biết về chuyện đời, chuyện phố, chuyện của dân Kẻ Chợ xưa, những Hoa kiều và của người Hà Nội ngày nay.
Đến thế kỷ 20, những biến động lịch sử bắt đầu len lỏi vào không gian của Hội quán. Nơi đây không chỉ còn là một từ đường, một nơi hội họp, mà còn là cột mốc giao thoa giữa vận mệnh của hai đất nước Việt-Trung. Từ năm 1903 đến 1904, Hội quán đã trở thành nơi cư ngụ của chính khách gia Tôn Trung Sơn, người đã góp phần khai sinh Trung Hoa Dân Quốc, có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng cách mạng và chiến lược giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu…
Tấm bảng đá khắc ghi nhận lịch sử của Hội quán. |
Không gian Hội quán được sử dụng để làm trường mẫu giáo sau năm 1975 và cho đến sau đó ít ai còn biết sự tồn tại của không gian này. Những cánh cửa sơn son thếp vàng chạm trổ tinh xảo từ kiến trúc Quảng Đông đưa sang đã bị phủ lên một màu của thời gian. Một không gian đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kiến trúc đã bị mờ nhạt sau năm tháng.
Sau thời gian đóng cửa im lìm, từ cuối năm 2018, công trình bắt đầu được tôn tạo và hoàn thiện vào cuối năm 2021. Tên gọi chính thức hiện tại là Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Một phần của khuôn viên được sử dụng để tổ chức triển lãm. Phần khác để trưng bày những hiện vật còn sót lại để giới thiệu đến người viếng thăm về một thời phồn vinh của cộng đồng Quảng Đông tại Hà Nội.
Kiến trúc Hội quán
Ấn tượng đầu tiên mà Hội quán Quảng Đông đem lại cho du khách là không gian rộng lớn, các nét kiến trúc cổ kính thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt – Hoa – Pháp vẫn được giữ nguyên. Không gian tại đây được bố trí thành nhiều tầng, lớp với các gian khác nhau đúng theo cấu trúc của Hội quán Quảng Đông trước đây.
Không gian bên trong Hội quán. |
Hội quán có 3 trục chính, ba trục kết hợp với nhau với tổng diện tích là 1.670m2 bao gồm: Lối đi dạo hai bên tả – hữu, sân thiên tỉnh, sân trước có một cây sấu đại thụ tạo cảnh quan bóng mát, tiếp đó là nhà tiền đường, phương đình, trung đường và hậu cung ở vị trí trung tâm. Lối kiến trúc điển hình phổ biến của các Hội quán được giữ nguyên với bốn dãy nhà có bố cục hợp thành chữ “Khẩu”, thiên tĩnh ở giữa để lấy ánh sáng, lưu thông không khí và tạo cảm giác thoáng mát.
Kiến trúc đặc biệt bên trong Hội quán. |
Gian thờ Mẫu trong Hội quán Quảng Đông. |
Nét kiến trúc đậm chất phương Tây. |
Kiến trúc sảnh chính của Hội quán Quảng Đông cho cảm giác như lạc vào một nhà thờ chính tòa phương Tây ngay khi vừa bước vào. Gian giữa rộng kéo dài cùng với hai chái hai bên. Yếu tố kiến trúc phương Tây còn thể hiện rõ nét ở hai gian nhà Đông và Tây với phù điêu mô phỏng theo cột Doric và vòng nguyệt quế Hy Lạp. Ngoài ra, đặc trưng của kiến trúc Pháp là hệ thống cửa sổ trong kính ngoài chớp, thường thấy trong các biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội.
Kiến trúc pha trộn hài hòa giữa văn hóa Đông – Tây. |
Một góc bên trong Hội quán. |
Kiến trúc nơi đây được tô điểm bởi những bức phù điêu bằng gốm tinh xảo kể lại những tích truyện quan trọng trong văn hóa Quảng Đông nói riêng và Trung Hoa nói chung. Phần mái được lợp bằng ngói ống âm dương, tráng men vô cùng thanh thoát.
Tác phẩm nghệ thuật đậm nét văn hóa Trung Hoa. |
Với sự kết hợp giữa hai nét kiến trúc Đông – Tây đã góp phần tạo nên một không gian yên tĩnh, trầm mặc, cổ kính nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, thanh tao ngay giữa lòng phố cổ tấp nập.
Hội quán ngày nay
Gắn liền với nơi đây là không gian sáng tạo nghệ thuật tại Hà Nội, nơi nghệ sỹ có thể gặp gỡ công chúng thông qua các cuộc triển lãm và chính Hội quán Quảng Đông là cầu nối giữa nghệ sỹ và công chúng. Nơi đây tạo ra một bối cảnh đa văn hóa đặc biệt dành cho giới trẻ, đối tượng cần được tìm hiểu truyền thống lịch sử văn hóa.
Triển lãm “Photo Hanoi‘23” gợi lại những kỷ niệm xưa cũ về Hà Nội. |
Đến thăm Hội quán, anh Fatih Ufali (29 tuổi, du khách người Bỉ) hào hứng chia sẻ: “Tôi đã đi đến khắp mọi nơi ở Việt Nam: Lào Cai, Đà Nẵng, Hội An… nhưng tôi vẫn quay lại Hà Nội vì vẻ đẹp cổ kính của nơi đây. Thật là một cơ hội hiếm có khi tôi có thể chiêm ngưỡng những di sản văn hóa, kiến trúc tái hiện lịch sử Hà Nội như thế này”.
Không chỉ có các triển lãm nghệ thuật ấn tượng, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm còn thu hút giới trẻ bởi những góc chụp ảnh mới lạ, độc đáo. Bạn Minh Anh (22 tuổi, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Mình muốn chụp vài kiểu ảnh với sườn xám Trung Hoa, thấy bạn bè bảo chỗ này từng là Hội quán lớn của người Quảng Đông nên mình cũng đến xem thử. Đến đây mình cũng khá bất ngờ vì không gian rộng, bày trí không khác gì một bảo tàng, có nhiều góc chụp ảnh rất đẹp mà lại miễn phí vé vào cửa nữa”.
Hiện tại, Hội quán Quảng Đông đang diễn ra chuỗi sự kiện nhiếp ảnh quốc tế “Photo Hanoi‘23 – Biennale” bao gồm các không gian triển lãm và trình diễn nghệ thuật được trưng bày từ nay đến đầu tháng 6. Triển lãm đã thu hút nhiều người đến để thưởng thức nghệ thuật và chụp ảnh, check-in. Các triển lãm tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm được mở cửa tự do từ 8h-17h ngày thường và 8h-21h vào ngày cuối tuần.
Việc tôn tạo và phục dựng Hội quán đã là một dấu ấn thành công trong nỗ lực bảo tồn di tích văn hóa và giữ gìn những di tích lịch sử có giá trị quan trọng của Thủ đô sau gần bốn thập kỷ bị lãng quên sau tiếng cười của con trẻ. Việc trùng tu sẽ không thể khôi phục hoàn toàn công trình về hình dáng nguyên bản, nơi đây cũng chẳng thể quay trở lại là một hội quán đúng nghĩa dành cho người Hoa. Nhưng với những gian thờ lại sáng nhan đèn, tiếng người cười nói, qua lại khỏa lấp khuôn viên, Hội quán Quảng Đông giờ đây lại mang một tầng ý nghĩa khác, là nơi giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của nhiều cộng đồng trong thời đại mới.
Nguyễn Phạm Thùy Trang
Sinh viên thực tập
Nguồn: Báo xây dựng