Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại Cần Thơ – Thủ Đức – Thanh Hóa

Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại Cần Thơ – Thủ Đức – Thanh Hóa

Ngày 16/8 tại TP Cần Thơ diễn ra Hội nghị Xúc tiến Đầu tư – Thương mại giữa TP Cần Thơ, TP Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa nhằm trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí chiến lược tại trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với vai trò cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông nội vùng và liên vận quốc tế, bao gồm cả giao thông đường thủy, đường bộ và hàng không. Phát triển hệ thống logistics tại đây sẽ không chỉ thúc đẩy đầu tư cho Cần Thơ mà còn cho toàn vùng ĐBSCL.

tm-img-alt

Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh rằng Cần Thơ là một thành phố trẻ và năng động, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, và an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước. Đặc biệt, theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu là đưa Cần Thơ trở thành một thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại và đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL vào năm 2030, đồng thời là trung tâm và đô thị hạt nhân của toàn vùng. Tháng 6 vừa qua, Cần Thơ vinh dự nhận danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia” năm 2024 từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên. Trước đó, vào năm 2017, Cần Thơ đã được công nhận là “Thành phố tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí” và năm 2021 đạt danh hiệu “Thành phố ASEAN bền vững môi trường” lần thứ 5.

Cùng với những bước phát triển đột phá trong thời gian qua, Cần Thơ đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện. Hiện nay, Trung ương đang tập trung đầu tư nhiều nguồn lực phát triển vùng ĐBSCL với hàng loạt dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai, tạo sự kết nối thuận lợi giữa Cần Thơ và các tỉnh thành trong vùng, cũng như với TP.HCM và các vùng khác trên cả nước.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Các đơn vị ký kết đầu tư tại hội nghị.

Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, cho biết, Thủ Đức là thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình “thành phố trong thành phố”. Sau 3 năm thành lập, Thủ Đức đã xây dựng được một bộ máy chính quyền địa phương đặc thù, phù hợp và cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Thủ Đức đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, xã hội và giao thông, với nhiều công trình quan trọng đã được khởi động và đưa vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thành phố Thủ Đức cũng đang triển khai đề án đô thị thông minh và chuyển đổi số, tập trung phát triển 11 khu đô thị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để Thủ Đức trở thành một đô thị thông minh, “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lãnh đạo TP Thủ Đức đánh giá cao vai trò, tiềm năng và thế mạnh của Cần Thơ, không chỉ là trung tâm kinh tế – văn hóa – giáo dục của vùng ĐBSCL, mà còn là một trung tâm kinh tế quan trọng của miền Tây Nam Bộ. Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, thương mại và dịch vụ, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Lãnh đạo các đơn vị tham quang các gian hàng trưng bày sản phẩm.

Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến, 70 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc thù của các địa phương đã được tổ chức. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng chia sẻ về những điểm nổi bật của địa phương, như vị trí thuận lợi cho giao thương hàng hóa và hạ tầng kinh tế – xã hội đang được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là về hạ tầng giao thông với đủ các loại hình như đường bộ, đường sắt Bắc – Nam và đường thủy.

Khu Kinh tế Nghi Sơn nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trên trục giao lưu Bắc – Nam, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ lựa chọn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển với các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 19 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế và 115 cụm công nghiệp, cùng với tiềm năng đất đai đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao. Hội nghị đã kết thúc với việc ký kết biên bản ghi nhớ và hợp tác giữa các trung tâm xúc tiến đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, và các doanh nghiệp của ba địa phương.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích