Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023

Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023

Tú Anh –  Thứ năm, 29/12/2022 11:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 28/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND và Sở Khoa học và Công nghệ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số viện, trường, tổ chức và doanh nghiệp; nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng tập thể cán bộ chủ chốt của Bộ…

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đã báo cáo kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2022. Theo đó, Việt Nam ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng, cho thấy sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là kết quả nỗ lực sau 8 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest), mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương.

Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis) đã khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong 12 năm liền luôn có sự tăng trưởng, kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis) đã khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV về sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử.

Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành là bước cụ thể hóa các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030). Chiến lược hướng đến mục tiêu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thật sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tăng cường xác lập, bảo hộ, thực thi, khai thác tài sản trí tuệ; đẩy mạnh nhập khẩu dây chuyền, thiết bị đã qua sử dụng; trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; thu hút, trọng dụng, phát triển đội ngũ tri thức; nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học, công nghệ công lập.

Năm 2022 là năm đầu Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện và triển khai thí điểm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) với 20 địa phương. Bộ chỉ số được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh, thành phố xác định rõ điểm mạnh, yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ công lập theo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học, công nghệ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học, công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off); thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học, công nghệ; tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Đánh giá công tác hoạt động năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ước đạt khoảng 8%; 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt, còn 2 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và tỉ trọng công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị công nghiệp cũng “ngấp nghé” mục tiêu đặt ra. Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống khi trong 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020-2021) kinh tế cả thế giới lao đao, còn nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,39%.

Tuy nhiên, nhiệm vụ tăng trưởng những năm tới đây vô cùng nặng nề. Để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra là tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, chưa kể khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng tốc độ cao càng khó khăn. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ là tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững.

Phân tích kỹ về các chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), bài báo khoa học công bố quốc tế, kinh phí chi cho khoa học, công nghệ trong tổng chi ngân sách nhà nước trong 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá các hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ có dấu hiệu chững lại trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu phải tăng cường khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng nêu 5 nhiệm vụ cơ bản mà Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực hơn nữa trong năm 2023 và những năm tiếp theo để khoa học, công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển.

Cụ thể, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ là nghiên cứu để hình thành hệ thống văn bản pháp lý thực sự hiệu lực để các nhà khoa học không phải lo hóa đơn, chứng từ quá nhiều. Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phải chủ trì nghiên cứu kỹ những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong các luật, nghị định, thông tư liên quan lĩnh vực khoa học công nghệ và đề xuất giải pháp, sửa đổi chi tiết, cụ thể.

Hệ thống thông tin quản lý khoa học công nghệ tiếp tục hướng tới công khai, minh bạch trong mọi khâu từ giao đề tài, phản biện, nghiệm thu…, đặc biệt là khâu phản biện. Bộ Khoa học và Công nghệ cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực khoa học và xã hội, chính trị, quản lý, nhất là một số đề án lớn như Bộ Lịch sử Việt Nam, Địa chí quốc gia Việt Nam, Bách khoa Toàn thư…

Phó Thủ tướng đánh giá, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng bước đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Tới đây, khi được chính thức giao nhiệm vụ quản lý về đổi mới sáng tạo, Bộ cần nỗ lực hơn nữa vì đây là trách nhiệm rất nặng nề, phức tạp khi có nhiều chỉ số cần phải cải thiện: Môi trường pháp lý; nhân lực; tỷ lệ sinh viên nước ngoài/sinh viên bản địa; hạ tầng môi trường, sinh thái; số bài báo khoa học; xuất khẩu sản phẩm có sở hữu trí tuệ và văn hóa…

“Bộ Khoa học và Công nghệ phải giữ vai trò điều phối với các bộ, ngành để cải thiện các chỉ số còn thấp để thúc đẩy cả xã hội cùng đổi mới sáng tạo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý trong xếp hạng đổi mới sáng tạo địa phương, bên cạnh các tiêu chí quốc tế nhưng cần tính đến đặc thù, phù hợp trình độ phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, miền, nhằm khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trên cả nước.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ khái niệm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) mang tính dài hạn. Trong đó, để cải thiện năng suất lao động thì phải cơ cấu lại nền kinh tế, lực lượng lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích