Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận

Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận
Tại Hội nghị, các chuyên gia và các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến nhằm giúp TP Đà Lạt khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung (QHC) TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ; Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng), lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và đại diện các hội, hiệp hội chuyên ngành.
Theo đó, quy hoạch nhằm các mục tiêu: Cụ thể hóa những chiến lược, định hướng phát triển của quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng, để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn. Đồng thời tạo điều kiện để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị.
Cùng đó, kế thừa, tiếp tục triển khai thực hiện các định hướng cơ bản, các quy hoạch chung hiện hành vẫn còn phù hợp, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của TP nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt trở thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và cảnh quan tự nhiên. Qua đó, góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.
Việc điều chỉnh QHC phải dựa trên cơ sở kế thừa chọn lọc đồ án quy hoạch 704/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2014.
Cụ thể, với các dự án phát triển giao thông kết nối vùng TP Đà Lạt với 6 đô thị vệ tinh để tạo động lực phát triển đô thị, khu chức năng và vùng nông thôn. Đồng thời, các dự án an toàn cấp nước như, hồ chứa thượng nguồn Đan Kia, hồ Ta Hoét…
Mặt khác, xây dựng các ý tưởng khoa học hiện đại nhằm phát triển, mở rộng phạm vị không gian đô thị, nâng cao giá trị hiệu quả sử dụng đất.
Tại Hội nghị, các chuyên gia và các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến nhằm giúp TP Đà Lạt khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đồng thời, lưu ý đánh giá kỹ hơn nhiệm vụ quy hoạch vùng, hiện trạng sử dụng đất, làm rõ chỉ tiêu của các khu chức năng đặc thù; lưu ý tính kết nối về giao thông và liên kết vùng, có định hướng quản lý không gian ngầm, cấp thoát nước…
Hoài Thu (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị