Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường

Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường

Ngày 4/3 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra Hội thảo lần thứ 4 về Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý môi trường – ICEPORM 2024.

Ngày 4/3, tại thành phố Quy Nhơn, Hội Hóa học và Độc học môi trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trường Đại học Auburn (Hoa Kỳ), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp tổ chức khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành; ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; ông Hervé Conan, Tổng Giám đốc AFD Việt Nam và hơn 100 đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đến từ 19 quốc gia trên thế giới tham dự.

tm-img-alt
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Thanh Tùng)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Nhiệm vụ quan trọng Việt Nam cần tập trung thời gian gần đây là triển khai chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải dựa trên nguyên tắc công bằng, công lý, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm tại Việt Nam hiện nay.

tm-img-alt
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thanh Tùng)

Đồng thời, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cùng tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong 4 ngày làm việc, nhiều phiên trao đổi, thảo luận với sự đa dạng về chủ đề, trong đó tập trung vấn đề ô nhiễm môi trường nổi cộm như: ô nhiễm vi nhựa, ô nhiễm hóa chất, quan trắc môi trường, công nghệ xử lý ô nhiễm, đánh giá rủi ro sinh thái và sức khỏe con người…Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm, mong muốn được chia sẻ, nghiên cứu và áp dụng phù hợp trong thực tiễn.

Giáo sư Hoàng Chung Thẩm, Đại học Auburn cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và cơ sở sản xuất tư nhân, nhà máy công nghiệp để tìm ra giải pháp chung vừa bảo vệ được môi trường nhưng cũng đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.

Ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho rằng, hợp tác khoa học Pháp-Việt có từ lâu với sự hiện diện của các tổ chức nghiên cứu Pháp tại Việt Nam. Các tổ chức này đang tham gia hàng chục dự án khoa học góp phần vào sự phát triển của đất nước theo nhiều hình thức khác nhau.

Ông Dương Nguyễn – Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá cao tinh thần làm việc không mệt mỏi của các nhà khoa học về môi trường, đã giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định sáng suốt.

Ông Dương Nguyễn cho biết, thời gian qua, USAID đã hợp tác chiến lược với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cải thiện an ninh môi trường và hỗ trợ hành động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chỉ tính từ 2021 đến nay, USAID đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu địa phương hơn 30 triệu USD để giải quyết ô nhiễm môi trường. Để duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, USAID sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các bên liên quan ở địa phương trong thời gian tới.

Thông qua các cơ quan nghiên cứu đang làm việc với các đối tác ở Việt Nam, Pháp hợp tác cùng Việt Nam để hiểu rõ hơn tác động chung của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng và an ninh lương thực.

Chương trình Hội nghị dự kiến diễn ra trong 4 ngày (từ 4-7/3/2024) gồm: 3 chương trình đào tạo ngắn; 8 phiên hội thảo xoay quanh các chủ đề khác nhau. Hội nghị sẽ trình bày hơn 80 công trình, kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học môi trường của hơn 100 nhà khoa học và quản lý môi trường đến từ 15 quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội để các đại biểu cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, thảo luận các vấn đề môi trường để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề.

Một số chuyên đề lớn được trình bày, thảo luận như, Quản lý môi trường tại Việt Nam: Hiện trạng và Giải pháp; Ô nhiễm kim loại và ảnh hưởng đến sinh vật sống; Xử lý môi trường và Công nghệ; Giám sát môi trường nước, đất, không khí và sinh vật; Đánh giá rủi ro sinh thái và sức khỏe; Biến đổi khí hậu, tác động môi trường và cách thức quản lý…

Trong khuôn khổ hội nghị, phiên đối thoại giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nhà khoa học trong nước và quốc tế diễn ra nhằm trao đổi thông tin một số vấn đề môi trường nổi bật tại Việt Nam, thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường.

Hội nghị được tổ chức nhằm tập hợp nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới tại Quy Nhơn chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm quản lý, thảo luận vấn đề môi trường, tiếp tục củng cố sự hợp tác cho nghiên cứu và giáo dục giữa các nhà khoa học ở các nước phát triển và đang phát triển.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích