Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tham dự hội nghị có sự quan tâm của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành cùng các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia kinh tế. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Đợt dịch lần thứ tư gây ra những ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, xã hội. Dịch bệnh đã lan rộng, diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến hoạt động cung cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, các nhà sản xuất và phân phối trên khắp cả nước. Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tập trung chủ động triển khai rất quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp và cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bền vững, hiệu quả. Hơn nữa, góp phần đưa ra những giải pháp căn cơ, bài bản, mang tính chất lâu dài thông qua tăng cường hoạt động đối thoại đa chiều.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận xoay quanh các chủ đề: Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid – 19; tác động của dịch covid đến chuỗi cung ứng; khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; thách thức trong việc triển khai sản xuất cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội.

Chia sẻ về những tác động của đại dịch tới chuỗi cung ứng, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho biết, chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng ở cả hai chiều cung – cầu. Doanh nghiệp đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung, bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công không đủ đáp ứng. Trên thế giới, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến vận tải toàn cầu, đẩy chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục.

Để hoạt động kết nối cung cầu được bình thường trở lại, cần có các giải pháp kịp thời, hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử trong lưu thông hàng hóa. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại-thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang là một ví dụ điển hình, với hơn 9000 tấn vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử. Đây cũng là lần đầu tiên mô hình kết hợp của thương mại truyền thống và thương mại điện tử đã được triển khai hết sức hiệu quả giữa BigC/Go với Tiki; Vinmart, Foodmap với Lazada; BigC/Go với Tiki; Vinmart, Foodmap với Lazada.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, cần tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử. Được biết, các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua thương mại điện tử, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục TMĐT đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online – offline.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích